Truy cập hiện tại

Đang có 88 khách và không thành viên đang online

Không thể phủ nhận thành quả công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới ở Việt Nam

(TUAG)- Trong suốt hơn 90 năm từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” cũng nhấn mạnh về cơ cấu cán bộ nữ.



Một trong những thành công rất nổi bật của đại hội đảng các cấp thời gian vừa qua là việc cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đều tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó hơn 4.200 cán bộ nữ được lựa chọn, giới thiệu và bầu giữ chức vụ cán bộ chủ chốt trong Đảng và chính quyền ở cả 3 cấp. Đặc biệt tại Đại hội XIII, trong số Ủy viên Trung ương Đảng chính thức được bầu có 18 đại biểu nữ, tăng 01 đại biểu so với nhiệm kỳ khóa XII. Trong 63 bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 có tới 9 người là nữ thuộc các tỉnh: An Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Lai Châu, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Đây là số lượng nữ bí thư Tỉnh ủy nhiều nhất từ trước đến nay. Và mới đây, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, với 93,13% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nữ Bí thư Tỉnh ủy An Giang.

Tại Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, số lượng đại biểu nữ cũng tăng trong nhiệm kỳ gần đây. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 27,1%, tăng 2,3% so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt 26,5% (tăng 1,37% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện đạt 27,9% (tăng 3,2% so với nhiệm kỳ trước). Việc bố trí lãnh đạo nữ trong Quốc hội kỳ này chiếm gần 40%. Đây là minh chứng cho thấy thành tựu nổi bật trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người của Đảng, Nhà nước ta và cũng cho thấy sự vươn lên của phụ nữ Việt Nam, đưa vị thế phụ nữ Việt Nam tham gia Quốc hội đứng thứ hai khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 6 ở châu Á.

Thế nhưng, giữa lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vui mừng, phấn khởi khi Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp, lại có những đối tượng phản động, bất mãn, cơ hội chính trị hậm hực “bới lông tìm vết”. Không tìm thấy những thiếu sót trong đại hội, họ bèn “soi” vào nhân sự Bộ Chính trị và “phát hiện” ra rằng nhiệm kỳ này chỉ có 01 phụ nữ, trong khi nhiệm kỳ XII có 03 phụ nữ. Lập tức trên mạng xã hội xuất hiện các bài viết xuyên tạc, cho rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam không quan tâm đến sự tiến bộ của phụ nữ; đây là bước thụt lùi về bình đẳng giới…

Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW) và đã được từng bước luật hóa trong văn bản pháp luật và các chính sách có liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, như: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Hình sự; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật,... Mục tiêu bình đẳng giới đã được ghi rõ trong Luật Bình đẳng giới của Việt Nam là “xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.

Chính phủ cũng mới ban hành Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu cụ thể của chiến lược, trong lĩnh vực chính trị, đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030; giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030; tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Trong đời sống gia đình, giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới...

Những thành tựu vượt bậc của công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới ở Việt Nam trong suốt thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất, qua đó khẳng định chắc chắn rằng: Các luận điệu phê phán Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam không quan tâm đến sự tiến bộ của phụ nữ là hoàn toàn không có cơ sở và sai sự thật.

Sự Thật
Tiến tới đại hội đảng
Dua-nghi-quyet-vao-cuoc-song
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
40317869