Truy cập hiện tại

Đang có 82 khách và không thành viên đang online

Công tác tổ chức

Nâng cao chất lượng công tác cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII

(TGAG)- Đảng lãnh đạo cách mạng bằng cương lĩnh, đường lối. Nhưng để có Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng, hiệu quả trong thực tiễn phải có đội ngũ cán bộ tốt. Cán bộ chính là người hoạch định, kiến tạo đường lối của Đảng và cũng là người trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối đó. Vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là vấn đề trọng yếu, khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng thật sự vững mạnh, là nhân tố quyết định sự tồn vong của chế độ, sự thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, đội ngũ cán bộ được tôi luyện qua thực tiễn đấu tranh cách mạng kiên định, vững vàng, “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, cùng với nhân dân giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX; vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nhưng bên cạnh thành tựu, Đảng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ như: đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ; việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm còn nương nhẹ, thiếu cương quyết; thiếu cơ chế để xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ lãnh đạo, quản lý yếu về năng lực, giảm sút uy tín, trì trệ trong công tác, kém hiệu quả trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng; chính sách tiền lương, nhà ở chưa tạo được động lực cống hiến cho cán bộ, công chức...

Nghiên cứu sâu Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XII, chúng ta thấy rõ, Đảng “chỉ rõ”, “điểm mặt” các dấu hiện suy thoái trong công tác cán bộ và quyết tâm chính trị cao đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, phương thức tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ; kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu.

Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XII đề ra các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh nhưng tư tưởng bao trùm, nội dung cốt lõi là chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác cán bộ cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung như:                                 

Một là, nắm vững quan điểm cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng; nâng cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu và đội ngũ cán bộ về công tác cán bộ. Kiên quyết thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đúng vị trí việc làm. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, cụ thể, sâu sát cơ sở cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Chú trọng xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực trong công tác cán bộ.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ công tác đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Đây là khâu trọng yếu trong công tác cán bộ, đánh giá đúng cán bộ thì mới quy hoạch, bố trí, sắp xếp và sử dụng có hiệu quả cán bộ, cán bộ mới phát huy được năng lực thực tiễn. Để thực hiện tốt khâu này, các cấp ủy, người đứng đầu phải hết sức công tâm, khách quan, thẳng thắn, không nể nang, né tránh. Quy chế, quy trình đánh giá cán bộ phải khoa học, phù hợp, công khai, minh bạch, trung thực, khách quan và toàn diện. Trong quy hoạch cán bộ phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, đảm bảo giữa đức và tài, giữa kế thừa và phát triển. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.

Ba là, đẩy mạnh cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát trong công tác quản lý và sử dụng cán bộ. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Tăng thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng.

Song song với việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả thì việc xây dựng được đội ngũ cán bộ thật sự có tâm, tầm, tài là rất quan trọng và cần thiết cho chặng đường phát triển của đất nước, nhất là trong bối cảnh đổi mới và hội nhập sâu rộng như hiện nay./.

TRÚC HỒ



Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36706990