Truy cập hiện tại

Đang có 123 khách và không thành viên đang online

Công tác tổ chức

Khắc phục ảnh hưởng mặt trái kinh tế thị trường đến nhân cách cán bộ, đảng viên hiện nay

Chúng ta đang tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó đổi mới kinh tế là trung tâm. Thực chất của đổi mới kinh tế là chuyển từ mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng nêu rõ: “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”[1].

Kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Đảng ta chủ trương xây dựng là một kiểu tổ chức nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH vận hành theo các quy luật kinh tế khách quan của nền kinh tế thị trường, các quy luật của thời kỳ quá độ; đồng thời có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ, linh hoạt để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, là cơ sở hiện thực xã hội có tác động rất lớn đến sự phát triển nhân cách người cán bộ, đảng viên, với những biểu hiện như: tính quyết đoán, năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện, hoàn thiện về phẩm chất đạo đức, lối sống. Bên cạnh mặt tích cực, kinh tế thị trường cũng tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến nhân cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sự phân hóa giàu - nghèo làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội; dễ nảy sinh tham nhũng, tội phạm, bạo lực; kích thích chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, lối sống chạy theo đồng tiền bất chấp đạo lý… Những tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường đến nay chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, trong khi có những mặt trở nên nghiêm trọng, nhất là tình trạng quan liêu, tham nhũng, hối lộ, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một số cán bộ có chức, có quyền. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”[2].

Nguyên nhân khách quan tác động mặt trái kinh tế thị trường tới phát triển nhân cách người cán bộ, đảng viên, trước hết, do việc thực hiện đổi mới kinh tế phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chưa lường hết được những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế; chưa có sự chuẩn bị tốt về lập trường, tư tưởng và cả cách thức tiếp cận mới cho cán bộ, đảng viên. Trong khi đó, các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường hoạt động chống phá cách mạng nhằm làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng ta…

Nguyên nhân chủ quan, do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Thực hiện các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng, hình thức. Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật thích ứng với quá trình vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa kịp thời. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ, đảng viên còn nể nang, cục bộ; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống còn hình thức; một số nơi có tình trạng cán bộ, đảng viên tốt không được bảo vệ, nêu gương; người vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống không bị lên án và xử lý nghiêm minh, kịp thời…

Để phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, khuyết tật của kinh tế thị trường tới nhân cách người cán bộ, đảng viên hiện nay, cần có những giải pháp đồng bộ, cụ thể, phù hợp, trước hết cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng, chính trị trong cán bộ, đảng viên về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.

Công tác tư tưởng, chính trị có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đến xây dựng, phát triển nhân cách người cán bộ, đảng viên trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Khi cán bộ, đảng viên hiểu rõ những mặt tích cực, nhất là các mặt trái của kinh tế thị trường sẽ tạo sự đồng thuận, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên. Để thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên về kinh tế thị trường, trước hết từng cấp ủy, người đứng đầu phải thấm nhuần sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường ở nước ta; xác định các biện pháp, hình thức phù hợp để tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên phát huy mặt tích cực, đấu tranh với các mặt tiêu cực không để ảnh hưởng đến phát triển nhân cách của mình. Hệ thống chính trị phải “vào cuộc” góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng, chính trị đến phát triển nhân cách người cán bộ, đảng viên.

Hai là, thường xuyên tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên nhằm phát triển nhân cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tự phê bình và phê bình đã được coi là quy luật phát triển của Đảng ta, nhất là trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và trước thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống như hiện nay trong cơ chế thị trường. Vì vậy, người cán bộ, đảng viên muốn có nhân cách tốt, có uy tín trước quần chúng, cần phải nêu cao tự phê bình và phê bình thường xuyên “như rửa mặt hằng ngày”. Trước hết, những cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý chủ chốt phải làm gương cho cấp dưới noi theo. Phải nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm tự phê bình và phê bình, xem đó là cách tốt nhất để sửa mình, phát triển nhân cách, không để những tiêu cực của cơ chế thị trường len lỏi, gặm nhấm đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phải xử lý nghiêm và kịp thời những cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng.

Ba là, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân ”[3]. Vì vậy, sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng diễn ra hằng ngày bằng những việc cụ thể, thiết thực trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên. Thực hiện tự tu dưỡng, tự rèn luyện một cách nghiêm túc, bền bỉ, thường xuyên là một giải pháp quan trọng để phát triển nhân cách trong cơ chế thị trường của mỗi cán bộ, đảng viên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[4].

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay đối với cán bộ, đảng viên là phải thực hành cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, khắc phục thói chạy theo danh vọng, địa vị, lạm dụng quyền hạn, chức vụ để chiếm đoạt của công, thu vén cho gia đình, cá nhân, cục bộ, địa phương chủ nghĩa. Phải thẳng thắn, trung thực, bảo vệ chân lý, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ người tốt; không chạy thành tích, không bao che, giấu giếm khuyết điểm. Phải tích cực học tập phong cách quần chúng, dân chủ và phong cách nêu gương của Hồ Chí Minh. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nêu gương đối với mình, đối với người và đối với công việc; chống thói tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo; phải luôn học tập cầu tiến bộ, giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết; thật thà, không dối trá, lừa lọc; phải có lòng khoan dung, độ lượng. Đó là con đường để mỗi cán bộ, đảng viên tự hoàn thiện mình để không ngừng phát triển nhân cách trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay.

 …………………………………………………………………..
[1] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr. 86.
[2] ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb CTQG - Sự thật,  Hà Nội, 2012, tr.22.  [3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tập12, tr. 557-558.
[4] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 9, tr. 293.

ThS. Nguyễn Việt Hà - Học viện Chính trị, BQP
Nguồn: XDĐ
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36979791