Truy cập hiện tại

Đang có 113 khách và không thành viên đang online

Công tác tổ chức

Xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức

(TGAG)- Ngày 14/10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng thông qua Luận cương chính trị, đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Điều lệ Đảng và lập ra các bộ như: Bộ Tổ chức, Bộ Tuyên truyền, Bộ Công nhân vận động. Từ đó, ngày 14/10/1930 được xem là ngày thành lập Bộ Tổ chức, Ban Bí thư khóa IX chọn ngày 14/10 là ngày truyền thống Ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

 
Cùng với cả nước, tổ chức Đảng và công tác tổ chức xây dựng Đảng ở An Giang sớm được hình thành trong điều kiện vô vàn khó khăn, thử thách. Ngay khi mới thành lập, tiền thân của Đảng bộ tỉnh An Giang là chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở Long Điền - Chợ Mới vào tháng 4/1930. Dù địch đánh phá ác liệt, có bị tổn thất, nhưng phong trào cách mạng, lực lượng của Đảng không ngừng được củng cố và phát triển.

Năm 1948, Ban Tổ chức Tỉnh ủy được thành lập, do đồng chí Phạm Tống Hoằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách. Từ khi thành lập cho đến ngày Giải phóng miền Nam, trong điều kiện vô cùng khó khăn, có lúc Ban Tổ chức Tỉnh ủy có Trưởng ban hoặc Tỉnh ủy viên trực tiếp phụ trách, có lúc do đồng chí ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách chung các Ban Tuyên huấn - Tổ chức - Kiểm tra, nhiều khi phải liên tục di chuyển địa điểm hoặc bị địch đánh phá ác liệt, nhưng bộ máy làm công tác tổ chức xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh vẫn kiên cường bám nhiệm vụ, hoạt động liên tục.

Sau ngày thống nhất đất nước, Đảng bộ An Giang có trên dưới 100 tổ chức cơ sở đảng và gần 1.000 đảng viên; các xã, phường hầu hết chưa có tổ chức cơ sở đảng, chỉ có đảng viên phụ trách. Việc lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn cách mạng mới gặp nhiều khó khăn, vừa phải tập trung khắc phục hậu quả của chiến tranh, sự chống phá của các tổ chức phản cách mạng, thiên tai lũ lụt, và phải đối phó với chiến tranh biên giới Tây Nam... Công tác tổ chức đã kịp thời bố trí, động viên, phát huy tinh thần tiến công cách mạng để thực hiện nhiệm vụ với khí thế mới, bám sát từng địa bàn, giúp các chi ủy, chi bộ thực hiện nguyên tắc sinh hoạt và Điều lệ Đảng, tạo nguồn cán bộ và phát triển đảng viên; thành lập được tổ chức cơ sở đảng ở tất cả các xã, phường, thị trấn và chi bộ ở khóm ấp. Xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền, đoàn thể. Đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Qua gần 30 năm đổi mới, công tác xây dựng Đảng được xác định là nhiệm vụ then chốt của các cấp ủy.  Đặc biệt từ khi có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tỉnh phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng; đạt tiêu chuẩn trình độ quy định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện tại và chuẩn bị được nguồn cán bộ kế thừa cho các giai đoạn tiếp theo.

Việc đánh giá, bố trí cán bộ đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, đúng quy trình. Đặc biệt công tác luân chuyển cán bộ tạo nên sức bật và khả năng mới trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Từ đó tạo được sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, hầu hết cán bộ được luân chuyển, điều động, bố trí đều phát huy tác dụng tốt. Quản lý, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ, công tác bảo vệ chính trị nội bộ được phối hợp thực hiện tốt hơn.

Công tác phát triển đảng tăng nhanh về số lượng và chú trọng về trình độ năng lực, mở rộng phát triển đảng ở địa bàn dân cư, cán bộ khoa học - kỹ thuật, trong trường học; đa số trẻ, có trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật cao hơn. Đến nay, toàn đảng bộ có trên 57.167 đảng viên (bằng gấp 48 lần so năm 1975, chiếm tỷ lệ 2,64% so dân số), với 896 tổ chức cơ sở đảng.

Đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng đảng từ tỉnh đến cơ sở đã có bước kiện toàn, đủ về số lượng, cơ bản đạt trình độ chuyên môn, phần lớn có kinh nghiệm thực tiễn.

Tự hào với lịch sử,  phát huy truyền thống, thành quả, kinh nghiệm của các thế hệ đi trước; cán bộ, công chức ngành Tổ chức xây dựng Đảng An Giang sẽ luôn đoàn kết, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả nỗ lực thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là:

Nâng cao hơn nữa vai trò, khả năng tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ; nhất là vai trò tham mưu cấp ủy, thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện; thường xuyên sơ tổng kết để rút kinh nghiệm từ thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Tích cực học tập, nâng cao trình độ, khả năng chuyên môn để đạt chuẩn theo quy định; đồng thời có khả năng tổ chức, thực hiện nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới.

Bám chắc các nội dung chỉ đạo của cấp ủy và Ban Tổ chức cấp trên để kịp thời cụ thể hóa, đề ra chương trình, kế hoạch thực hiện một cách thiết thực, khả thi và hiệu quả.

Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ tổ chức.

Cải tiến phương pháp, lề lối làm việc, cải cách hành chính trong Đảng, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, tác phong khoa học, sâu sát cơ sở; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương trong công tác tổ chức xây dựng đảng.

Cán bộ, công chức làm công tác tổ chức xây dựng Đảng quyết tâm đạt thành tích cao hơn, để xứng đáng với niềm tin, sự chăm lo của cấp ủy, của các thế hệ đi trước và góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh./.

ĐẶNG VĂN HÒA
Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36717079