Truy cập hiện tại

Đang có 292 khách và không thành viên đang online

Công tác dân vận - mặt trận - đoàn thể

Tân Châu huy động nhiều nguồn lực, xây dựng kiên cố cầu nông thôn

(TGAG)- Tân Châu là thị xã cù lao của tỉnh An Giang, có hệ thống sông ngồi, kênh rạch rất chằng chịt, điều kiện đi lại còn gặp nhiều khó khăn. Nếu không xây cầu vững chắc, không phát triển giao thông nông thôn sẽ khó đưa kinh tế đi lên. Do đó, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với sự huy động đóng góp từ nhiều nguồn lực. Những năm qua, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn thị xã từng bước có nhiều thay đổi, xe ô-tô đã về đến trung tâm các xã vùng sâu, biên giới; nhiều cây cầu cây tạm bợ, cầu xuống cấp,… dần dần được thay thế bằng những cây cầu bê-tông, cốt thép vững chắc, kiên cố, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.


Cầu bê tông đê ranh Vĩnh Xương - Phú Lộc hoàn thành trong niềm vui mừng của người dân

Tân Châu là thị xã vùng biên, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, cứ đến mùa vụ, nhu cầu vận chuyển nông sản rất lớn. Phần lớn các tuyến đường nông thôn nhỏ hẹp, nhất là những cây cầu bắc qua kênh, hầu hết là cầu gỗ, cầu tạm, nên việc vận chuyển nông sản không thể lưu thông. Do đó, bê tông hóa cầu nông thôn là giải pháp cần thiết để phát triển nông nghiệp, tạo nền tảng thúc đẩy công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển. Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn thị xã Tân Châu có 60 cây cầu, với tổng chiều dài trên trên 2.500 mét, trong đó: cầu sắt 9 cây, cầu bê tông 8 cây, cầu gỗ 18 cây, cầu treo 25 cây. Trong giai đoạn từ năm 2016 – 2018, thị xã đã huy động từ nhiều nguồn vốn, thực hiện đầu tư xây dựng mới, duy tu, nâng cấp, sửa chữa 20 cây cầu, với tổng kinh phí đầu tư trên 21 tỷ đồng; trong đó, Trung ương hỗ trợ 11 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 2,4 tỷ đồng, ngân sách thị xã 1,92 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn lực trong xã hội trên 6 tỷ đồng, với trên 3.200 ngày công lao động của nhân dân tham gia đóng góp. Qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thắng lợi Đề án và Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới.

Với phương châm “lấy sức dân chăm lo đời sống cho dân”, thời gian qua, việc xây dựng cầu, làm đường rất có ý nghĩa đối với người dân trên địa bàn thị xã, nên mỗi khi phong trào được Chính quyền địa phương phát động, thì mọi người ai nấy đều xác định phương châm thực hiện “ai có tiền thì đóng góp tiền, ai không có tiền thi đóng góp công”, chính vì thế mà các công trình xây cầu, làm đường,… phục vụ dân sinh luôn được người dân đồng tình, ủng hộ cao. Tiêu biểu trong phong trào này, phải kể đến tinh thần thiện nguyện của các thành viên trong Đội xây cầu, làm đường từ thiện của các Ban trị sự PGHH xã - phường, Đội thi công cầu bê tông nông thôn PGHH phường Mỹ Phước (TP. Long Xuyên) cách xa gần hàng trăm cây số nhưng vẫn đến để xây cầu. Kết quả, điển hình trong năm 2018, đã có 11 cây cầu bê tông, cốt thép được xây dựng, trong đó có 2 cây cầu bê tông Yên Phát và cầu Đê Ranh Vĩnh Xương - Phú Lộc bắt qua kênh Bảy xã, được xây dựng kinh phí hàng tỷ đồng, thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Vui mừng khi cầu Đê Ranh Vĩnh Xương - Phú Lộc được đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, ông Trần Văn Bột, người dân xã Vĩnh Xương phấn khởi nói: “Trước kia, ở đây không có cây cầu này, thì bà con qua lại kênh làm ruộng, làm rẫy sản xuất gặp rất nhiều khó khăn; hôm nay, được Chính quyền địa phương, kết hợp Ban trị sự PGHH xã, các mạnh thường quân và Đội xây dựng cầu bê tông phường Mỹ Phước (TP. Long Xuyên) đã xây dựng mới được cây cầu bê tông vững chắc như thế này, người dân chúng tôi rất vui mừng, để vận chuyển hàng hóa, đi lại sản xuất dễ dàng”.

Theo báo cáo ngành chuyên môn thị xã, kết quả đạt được qua hơn 03 năm thực hiện tương đối tốt, tuy nhiên chưa hoàn thành theo kế hoạch Đề án đề ra (kết quả chỉ đạt 55,55%). Một số địa phương, do đặc thù về điều kiện kinh tế, điều kiện tập quán nên chưa huy động hiệu quả được nguồn lực trong dân, kết quả thực hiện còn thấp, chưa cao. Nhằm từng bước xóa dần hệ thống cầu gỗ, cầu sắt không mạ kẽm đang tồn tại từ lâu trên các tuyến đường từ trung tâm thị xã về đến trung tâm xã; liên xã, từ xã về đến các ấp và liên ấp, không đảm bảo điều kiện an toàn giao thông. Hiện tại, trên địa bàn thị xã tiếp tục thực hiện theo Đề án là 21 cây cầu cần tiếp tục đầu tư cho giai đoạn 2019 – 2020, với tổng kinh phí trên 31 tỷ đồng. Trong đó, có 10 cây cầu cần phải xây dựng cấp bách, với giá trị đầu tư khoảng 17 tỷ đồng, trong khi nguồn ngân sách của thị xã gặp rất nhiều khó khăn, không thể đầu tư xây dựng được.


Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cùng Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân khảo sát cầu nông thôn tại xã Phú Vĩnh, thị xã Tân Châu.
Nắm bắt được điều kiện khó khăn của các huyện, thị biên giới tỉnh An Giang, ngày 05/3/2019 vừa qua, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến khảo sát và làm việc nguồn đầu tư và xem xét vận động hỗ trợ xây dựng cầu giao thông nông thôn cho thị xã Tân Châu. Tại buổi làm việc, báo cáo với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân cho biết: mặc dù, đã có nhiều cố gắng nhưng sự phát triển của An Giang, cũng còn nhiều giới hạn, điểm nghẽn của An Giang là hệ thống giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, khu vực biên giới gồm: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc, An Phú và thị xã Tân Châu có tổng chiều dài là 1.147km. Trong đó đường bê tông nhựa, bê tông xi măng và láng nhựa là 732km, còn lại là đường cấp phối. Có 481 cầu cần được xây dựng. Thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn, giai đoạn 2016-2018, An Giang đã xây dựng được 294  cầu, với tổng chiều dài 9.570 mét. Vốn huy động từ các nguồn lực trong xã hội là trên 265 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 78,1%), nhân dân đóng góp trên 61.000 ngày công và hiến 288 mét vuông đất.

Nói về điều kiện của địa bàn thị xã Tân Châu, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ: “Tân Châu là đô thị biên giới, điều kiện giao thương phát triển kinh tế - xã hội kể cả trong vùng, các tỉnh trong vùng biên giới là rất lớn với nước bạn Campuchia. Tuy nhiên, nếu như không có giải pháp về xây dựng hạ tầng giao thông tốt, để biệt lập, thì sự phát triển này rất chậm, rất uổng cho tìm lực, tìm năng của Tân Châu; do đó, sự phát triển của Tân Châu phải gắn liền với giao thông. Cho nên thời gian tới, lãnh đạo tỉnh, thị xã sẽ cố gắng nỗ lực tối đa để triển khai những cây cầu này theo chỉ đạo của đồng chí nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, với trách nhiệm tối đa và huy động mọi nguồn lực cho thực hiện các cây cầu này, không chỉ là ý nghĩa kinh tế mà còn ý nghĩa chính trị quan trọng đối với vùng biên giới của An Giang”.

Chia sẻ những khó khăn của địa phương, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ghi nhận những kiến nghị và xem xét, thống nhất vận động hỗ trợ 10 cây cầu giao thông nông thôn được xây dựng mới mà thị xã Tân Châu đã kiến nghị, với tổng giá trị 17 tỷ đồng, do Tạp chí nông thôn Việt tài trợ. Nguyên Chủ tịch nước cũng lưu ý An Giang và địa phương Tân Châu sau khi được tài trợ xây dựng cầu nông thôn, cần thực hiện tốt hơn nữa việc phối hợp trong triển khai xây dựng, cố gắng hoàn thành đúng tiến độ, nhưng phải đảm bảo chất lượng, với tinh thần “trách nhiệm tối đa, tranh thủ mọi nguồn lực”.

Thành tựu nổi bật trong việc xây dựng cầu, làm đường nông thôn, thời gian qua, thị xã Tân Châu đã huy động được các cấp, các ngành cùng vào cuộc, trong đó phát huy tối đa vai trò xã hội hóa của người dân; không chỉ có nhiều doanh nghiệp tham gia, mà còn có sự chung sức, đóng góp của mạnh thường quân, nhân dân, đồng bào dân tộc, tín đồ tôn giáo trên địa bàn. Và việc được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang quan tâm và vận động tài trợ xây dựng cầu nông thôn vùng biên giới ở thời điểm hiện nay, không chỉ giúp thị xã Tân Châu phát triển kinh tế, mà còn mang ý nghĩa chính trị, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, từng bước nâng cao đời sống cho người dân./.

Bài, ảnh:   Văn Phô
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37058606