Truy cập hiện tại

Đang có 173 khách và không thành viên đang online

Công tác dân vận - mặt trận - đoàn thể

Xây dựng niềm tin của Nhân dân đối với Đảng là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên

(TGAG)- Trong bối cảnh, tình hình thế giới và các nước trong khu vực hiện nay đang có những diễn biến phức tạp khó lường; các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, với chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” và xúi giục thúc đẩy các hoạt động “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gây mất ổn định an ninh, chính trị; lợi dụng việc Đảng và Nhà nước ta phát huy

nguyên tắc tập trung dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, công khai hóa ý kiến nguyện vọng của nhân dân để “mượn danh” góp ý cho Đảng, có lúc công khai phản bác đường lối cách mạng của Đảng, đòi “đa nguyên, đa đảng”; có lúc lại “đổi giọng” sang “kiến nghị với Đảng” phải điều chỉnh, hay chuyển hướng cách mạng cho phù hợp với tình hình thời đại hiện nay… qua đó đã ít nhiều tác động, ảnh hưởng, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng với Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Bên cạnh đó, trong nội bộ Đảng ta vẫn còn có “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, tình trạng quan lưu, tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu quần chúng đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chia rẽ Đảng với nhân dân, cán bộ với quần chúng…” và khi niềm tin của Nhân dân với Đảng bị giảm sút, hay nguy hiểm hơn là “mất niềm tin” thì mọi chủ trương, đường lối mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta đề ra sẽ không thể đạt được và đó sẽ là cơ sở để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, mà bài học xương máu là sự sụp đổ của mô hình Chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây đã và đang là một bài học lớn về vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Cần thẳng thắn thừa nhận, trong bộ máy Nhà nước ta hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa làm tròn trách nhiệm… làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào bộ máy của Đảng, Nhà nước, làm mất uy tín, tổn hại danh dự của Đảng, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng”… và vấn đề tăng cường xây đắp mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân chính là giải pháp cấp bách, hữu hiệu nhất để góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng. Để có thể thực hiện được điều này cần phải có sự đồng sức, đồng lòng và quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương mà trước hết phải xác định là trách nhiệm của mỗi người cán bộ, đảng viên, cụ thể:

Thứ nhất: Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện tư tưởng, đạo đức cách mạng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, kiên định với đường lối và sự nghiệp đổi mới của Đảng, trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; không dao động trước khó khăn và thử thách; tuân thủ các nguyên tắc của Đảng; không nói, viết và làm trái với chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ra sức phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; không ngừng rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải kiên quyết làm đúng chính sách và nghị quyết của Đảng. Cán bộ, đảng viên phải làm gương cho quần chúng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình. thực hiện tốt những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: "Mỗi cán bộ, đảng viên phải là người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành".

Thứ hai: Phải tích cực, chủ động gia tham gia phòng chống tham nhũng, lãnh phí và các biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của Đảng nêu rõ: “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…; ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tận gốc tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân”. Mỗi cán bộ, đảng viên, phải hiểu và nắm chắc mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, để thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh này bằng lối sống gương mẫu, thực hiện tốt nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên và những điều đảng viên không được làm; gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; gương mẫu thực hiện tốt “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Thứ ba: Phải nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật khi thi hành công vụ, thường xuyên rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm nghề nghề nghiệp. Trên thực tế, người cán bộ, đảng viên chỉ có thể thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ do Luật định khi có niềm tin yêu và sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong quá trình thực thi công vụ, phải luôn tận tụy, công bằng, rõ ràng và minh bạch, không được vì lợi ích riêng tư mà thiên lệch trong công việc, gây “khó dễ” hay phiền hà cho nhân dân. Thường xuyên rèn luyện phong cách làm việc theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm việc chủ động, trung thực, trách nhiệm, linh hoạt và sáng tạo; có tinh thần hợp tác cao trong công việc với các thành viên khác trong tổ chức; dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đổ thừa hay đùn đẩy trách nhiệm cho người khác; luôn nỗ lực, tích cực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao nhằm từng bước góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân, xây đắp củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, với Nhà nước.

Thứ tư: Phải thực sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: "Cán bộ và đảng viên phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dânviệc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Thông qua những hành động cụ thể: Tận tụy, trách nhiệm khi giải quyết các công việc, kiến nghị của nhân dân, tích cực tham gia hoạt động ở khu dân cư, đặc biệt phải gương mẫu gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào xây dựng địa phương, nhất là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" và phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc"; tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.

Thứ năm: Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận chính trị tư tưởng; chủ động đấu tranh phòng ngừa, phê phán những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Đảng; có ý thức tích cực giữ gìn đoàn kết nội bộ thật tốt, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân, tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để người dân hiểu và thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.

Để xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, thiết nghĩ nếu tất cả cán bộ, đảng viên đều ý thức, tự giác thực hiện tốt các giải pháp này và phấn đấu trở thành tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức, nhân cách, lối sống, đều thiện chí, chí công vô tư trong giải quyết công việc thì mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân sẽ ngày càng trở lên bền chặt./.

Hòa Bình

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36732095