Truy cập hiện tại

Đang có 44 khách và không thành viên đang online

Công tác dân vận - mặt trận - đoàn thể

Phát động thi đua “Dân vận khéo” năm 2016

(TGAG)- Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Từ thực tiễn phong trào thi đua “Dân vận khéo” của hệ thống chính trị trong những năm qua là một chủ trương đúng đắn,
kịp thời có tác động tích cực và có sức lan tỏa trong Nhân dân, được Trung ương Đảng khẳng định, chỉ đạo trực tiếp về đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong  thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình hành động số 25-CTr/TU, ngày 26/3/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư “Về nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước các cấp” và Công văn chỉ đạo số 59-CV/TU, ngày 04/2/2016 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 114-KL/TW của Ban Bí thư.
 
Trong giai đoạn 2011 - 2015, Ban Dân vận Tỉnh ủy An Giang phát động thi đua “Dân vận khéo” đến 21 đơn vị  gồm Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, lực lượng vũ trang tỉnh, Hội quần chúng tỉnh; Ban Dân vận huyện, thị, thành ủy, đã có 8.776 lượt mô hình đăng ký thực hiện “Dân vận khéo” trên  4 lĩnh vực (kinh tế có 2076 lượt mô hình; văn hóa - xã hội có 4585 lượt mô hình; an ninh quốc phòng có 1402 lượt mô hình; xây dựng hệ thống chính trị có 713 lượt mô hình). Kết quả có: 1 tập thể được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ; 01 tập thể , 02 cá nhân được tặng bằng khen của Ban Dân vận Trung ương; 90 tập thể, 135 cá nhân được tặng bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh; 327 tập thể, 511 cá nhân được tặng giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào “Dân vận khéo” chưa được thực hiện đều khắp ở các tổ chức trong hệ thống chính trị; chưa đồng đều trên các lĩnh vực; các điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, trong cán bộ, công chức còn hạn chế, hiệu quả đạt được chưa cao; chất lượng và hiệu quả của mô hình, điển hình chưa thật sự thuyết phục.
 
Nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy những kết quả đạt được trong phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”, đồng thời để phong trào này thật sự trở thành phong trào thường xuyên, liên tục trong Nhân dân và cả hệ thống chính trị mang lại hiệu quả cao hơn, toàn diện hơn, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh nhà trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch số 06-KH/BDVTU ngày 17/3/2016 để phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo”giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2016 đến 99 đơn vị đăng ký như: Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, các đơn vị công ty, doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện với nội dung sau:
 
1- Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên quán triệt nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Nâng cao chất lượng hiệu quả các chương trình phối hợp giữa ban dân vận các cấp với các ban, ngành, lực lượng vũ trang. Đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” trở thành nề nếp; tích cực nhân rộng các điển hình có hiệu quả. Quan tâm xây dựng, tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và cốt cán trong tôn giáo, trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quy chế 06-QC/TU, ngày 30/7/2010 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị; Chương trình hành động số 25-CT/TU, ngày 26/8/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Công văn 619-CV/TU, ngày 09/7/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phổ biến, quán triệt, tổ chức thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI); Nghị quyết về thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.
 
2- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác dân vận, nhất là công tác dân vận chính quyền, dân vận khéo trong các cơ quan nhà nước khi thực hiện công tác đền bù, giải tỏa triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác tiếp dân thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
 
3- Tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên, liên tục và sâu rộng việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; trong đó hết sức quan tâm đến việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, kịp thời nắm bắt và giải quyết thỏa đáng những tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân; quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho gia đình chính sách, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp phải thực sự là nòng cốt trong phong trào nhằm vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn quốc phòng - an ninh.
 
4- Thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
 
5- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào và các gương điển hình. Chú trọng công tác sơ kết, tổng kết và biểu dương khen thưởng những cá nhân, tập thể tiêu biểu có thành tích xuất sắc nhất trong quá trình thực hiện phong trào thi đua, để động viên, cổ vũ phong trào; tăng cường các hoạt động học tập, trao đổi chia sẻ những kinh nghiệm hay, mô hình mới giữa các địa phương, đơn vị.
 
Tóm lại, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Trong công tác dân vận xử lý tình huống cũng chính là những cách thức “Dân vận khéo”. Vì vậy phong trào “Dân vận khéo” phải góp phần giải quyết những bức xúc đặt ra trong cuộc sống, từ đó cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương thật sự là chỗ tin cậy của Nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
 
Khéo ở đây không phải là nói khéo, mà nên hiểu là mỗi cơ quan, đơn vị cần tìm ra những vấn đề cấp thiết từ cuộc sống người dân ở cơ sở để giúp đỡ. Hoặc cũng có thể kiểm tra việc thực hành công vụ đối với cán bộ cơ quan nhà nước, hay đối thoại trực tiếp với Nhân dân về những vấn đề người dân quan tâm, từ đó tạo sự đồng thuận giữa chủ trương của Đảng với ý chí quyết tâm vượt qua đói nghèo, phát triển kinh tế - xã hội của Nhân dân, đúng với phương châm nhà nước và Nhân dân cùng làm, hay nói khác hơn là vận động toàn xã hội tham gia./.
 
Đinh Thị Ngọc Sương
Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37032793