Truy cập hiện tại

Đang có 339 khách và không thành viên đang online

Xây dựng Đảng

Thực hiện tốt yêu cầu: “chú trọng xây dựng Đảng về chính trị”

(TGAG)- Bác Hồ khẳng định: Cách mệnh trước hết “phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.

Vì vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh phải là nhiệm vụ hàng đầu. Trong mọi thời kỳ, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc. Bác chỉ rõ: Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, giữ các chức vụ đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện. Đảng phải thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng.

Trước nhất, phải ra sức xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị. Nội dung bao gồm: xây dựng đường lối chính trị, bảo vệ chính trị, xây dựng và thực hiện nghị quyết, xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị, củng cố lập trường chính trị, nâng cao bản lĩnh chính trị... Trong các nội dung trên, Người thường nhắc lại quan điểm của Lê-nin: Sai lầm về đường lối là nguy cơ lớn nhất. Nó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với vận mệnh của Tổ quốc, sinh mệnh chính trị của Đảng…

Qua bao năm chiến đấu và trưởng thành, Người tổng kết: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”. “Đảng ta có thể tự hào là người kế tục những truyền thống vẻ vang của dân tộc ta, là người mở đường cho nhân dân ta tiến lên một tương lai rực rỡ”. Đảng ta là một Đảng cách mạng chân chính. Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; trung thành với lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân. Bản lĩnh chính trị của Đảng đã được rèn luyện, vượt qua biết bao thử thách, khó khăn, gian khổ… Hàng vạn, hàng vạn chiến sĩ, cán bộ, đảng viên nhờ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng đã anh dũng hy sinh trong lao tù đế quốc, trên các chiến trường cũng như các mặt trận thầm lặng khác…

Qua hơn 30 đổi mới, cách mạng nước ta tiếp tục giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Trong những năm ấy, mặc dù gặp phải những khó khăn rất lớn, những thách thức quyết liệt, nhiệm vụ phải đảm nhiệm rất nặng nề, song Đảng vẫn kiên trì thực hiện đường lối xây dựng Đảng, cổ vũ động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng đạt được kết quả đáng tự hào. Đây là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Bài học quan trọng số một là: Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua việc dự báo, hoạch định, lãnh đạo tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước còn nhiều hạn chế. Việc thể chế hóa, xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng chưa kịp thời, đồng bộ, cụ thể và hiệu quả chưa cao. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu…

Điều đáng quan tâm là, một số nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng có nội dung chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi và thiếu chế tài xử lý. Nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp chưa có quyết tâm chính trị cao; việc cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện ở một số địa phương, đơn vị còn chung chung, chỉ đạo thiếu quyết liệt…

Đại hội XI đã xác định mục tiêu tổng quát phát triển đất nước. Trong đó chỉ rõ phải: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Đại hội XII khẳng định phải: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”. Đây là một điểm mới. Ngoài ra, nếu Văn kiện Đại hội XI đã nêu nội dung: “Xây dựng Đảng về chính trị”, Đại hội XII đã bổ sung và nhấn mạnh: “Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị”.

Đại hội đã đề ra một số giải pháp mới để thực hiện:

Một là, kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững bản lĩnh chính trị của Đảng, của các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên.

Hai là, nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm của Việt Nam, tạo bước đột phá để phát triển.

Ba là, hoàn thiện cơ chế, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tự phê bình, phê bình, chất vấn trong các kỳ họp của Ban chấp hành Trung ương, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp.

Bốn là, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Trước mắt, từng cán bộ, đảng viên cần tập trung đấu tranh loại trừ cho được các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị như: Phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái. Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
   
Cần chủ động, tích cực và nâng cao hiệu quả đấu tranh tư tưởng, lý luận chống các quan điểm sai trái. Trong đó có khuynh hướng dao động về lý tưởng, muốn phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Họ cho rằng “do kiên định quá lâu chủ nghĩa Mác - Lê-nin nên làm cho đất nước tụt hậu”; họ quy mọi khuyết điểm, thiếu sót vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, họ muốn thay nền tảng tư tưởng của Đảng bằng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi-dân túy- cực đoan… Họ còn quy chụp Đảng đã “lẫn lộn giữa mục đích và biện pháp”, xác định sai mục đích là “xây dựng chủ nghĩa chứ không phải xây dựng đất nước”; họ nói chế độ ta là một chế độ toàn trị (độc tài, mất dân chủ) và yêu cầu phải quay về “dân tộc và dân chủ” chung chung, có tính chất mỵ dân... Rất tiếc là những nhận thức sai trái, quan điểm lệch lạc đó lại được một số cán bộ, đảng viên nhắm mắt nghe theo… Cần nhận thức đầy đủ tính chất nguy hại của những quan điểm đó và tổ chức phối hợp các lực lượng đấu tranh một cách chủ động, tích cực, hiệu quả, bằng nhiều kênh, nhiều con đường, kể cả thông qua hình thức đối thoại trực tiếp.

Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị nhằm làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh; xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của Nhân dân./.

TRUNG KIÊN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37038858