Truy cập hiện tại

Đang có 70 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

An Giang chú trọng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

(TGAG)- Ngày 15/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về "Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" (Nghị quyết 33). Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Thị Thanh Hương đồng chủ trì Hội nghị.


Tham dự nghị tại điểm cầu cấp tỉnh có đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các ban đảng tỉnh; các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan; tập thể, cá nhân được khen thưởng; và các đại biểu tham dự tại điểm cầu cấp huyện, với tổng số 1.039 đại biểu.

Qua 5 năm triển khai Nghị quyết 33 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Công tác tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai, thực hiện Nghị quyết 33  đã được triển khai kịp thời, nghiêm túc, sâu rộng, bám sát hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, cống hiến của toàn dân, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển con người, nhất là thế hệ trẻ.

Đến nay, toàn tỉnh có 507.045 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt 93,31% so tổng số hộ; 863 khóm/ấp đạt chuẩn văn hóa, đạt 97,18% so tổng số ấp; 57 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đạt 47,89% so tổng số xã; 17 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, đạt 45,94% so tổng số phường, thị trấn; 73/156 xã, phường, thị trấn có Nhà văn hoá.

Cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có chuyển biến tích cực, nhất là công tác quản lý hoạt động lễ hội được đảm bảo chặt chẽ, phát huy các giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử tốt đẹp, gắn với hoạt động du lịch quảng bá hình ảnh, văn hoá, con người An Giang.

Công tác bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số đặc biệt được quan tâm, đầu tư nhằm gìn giữ, bảo tồn những di sản văn hóa nhất là những di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một. Tỉnh đã tổ chức lớp truyền dạy nghệ thuật chạm khắc chữ trên lá Buông cho 10 học viên (huyện Tri Tôn, Tịnh Biên); mở 2 lớp truyền dạy Đàn Ch’pay cho 16 học viên là người dân tộc Khmer (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn). Qua đó, góp phần đào tạo đội ngũ nghệ nhân kế thừa cho cộng đồng dân tộc Khmer nhằm giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.

Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số 86 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 56 di tích cấp tỉnh.


Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Thị Thanh Hương trao danh hiệu vinh dự Nhà nước cho 2 Nghệ nhân Nhân dân

Bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn những khó khăn, thách thức như: Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập; công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa chưa thường xuyên, triệt để; các loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa truyền thống tuy được khôi phục nhưng chưa nhiều; chưa có nhiều khu vui chơi, giải trí công cộng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, nhất là trẻ em; các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, đa dạng; chưa gắn sản phẩm văn hóa với sản phẩm du lịch, làng nghề; nguồn lực dành cho hoạt động văn hóa của tỉnh, cả về kinh phí lẫn con người, cũng còn nhiều hạn chế, đặt ra cho tỉnh bài toán phải tìm được hướng phát triển hài hòa...


Phát biểu kết luận Hội nghị, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình biểu dương những kết quả cơ bản, quan trọng các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã phấn đấu đạt được qua 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa việc triển khai Nghị quyết 33 trên địa bàn tỉnh, cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần lưu tâm tiếp tục tập trung vào một số vấn đề:

Tiếp tục quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động 33-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp thực tiễn địa phương và trong tình hình mới. Củng cố mạng lưới thông tin truyền thông, tuyên truyền viên, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở.

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các tầng lớp Nhân dân đầu tư vào các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế; tham gia tổ chức quản lý các di sản, hoạt động văn hóa ở địa phương.

Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác vận động, giám sát; tổ chức quần chúng, giới trí thức tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, sáng tạo văn hóa, giáo dục và định hướng hưởng thụ văn hóa lành mạnh, đặc biệt cho lớp trẻ.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế với phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và phát triển con người.



Dịp này, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, ông Nguyễn Thanh Bình, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh đã trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho 02 “Nghệ nhân Nhân dân” và 08 “Nghệ nhân Ưu tú” đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; và 40 tập thể, 49 cá nhân nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh có thành tích qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33.

Trường Giang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37147686