Truy cập hiện tại

Đang có 533 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Mô hình hoạt động của Trung tâm văn hóa - Nhà văn hóa: Bài toán cần có lời giải

(TGAG)- Nói tới hệ thống thiết chế văn hóa là người ta nghĩ ngay tới trung tâm văn hóa, nhà văn hóa (sau đây gọi chung là nhà văn hóa), bởi vị trí, vai trò và chức năng quan trọng của nó trong việc định hướng thẩm mỹ, thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí, sáng tạo văn hóa của cộng đồng.

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay cả nước có 70 nhà văn hóa cấp tỉnh, thành phố; 549/702 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; 4.998/11.161 xã phường, thị trấn có nhà văn hóa và 54.391/118.034 thôn làng, bản, ấp có tụ điểm sinh hoạt văn hóa. Có thể thấy rằng, trong điều kiện đời sống kinh tế còn khó khăn, nhu cầu cơ sở vật chất cho tất cả các lĩnh vực là hết sức gay gắt thì việc xây dựng được số lượng thiết chế văn hóa nói trên là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội trong việc chăm lo tới lĩnh vực đời sống văn hóa tinh thần, nhất là ở cơ sở.

Bỏ qua các con số ấn tượng ấy, nếu nhìn vào số liệu thống kê về thực trạng hoạt động của nhà văn hóa sẽ khiến chúng ta không khỏi giật mình. Trong số các nhà văn hóa từ trung ương tới địa phương, chỉ có 20 - 25% số nhà văn hóa hoạt động hiệu quả, khoảng 60% hoạt động chưa được như mong muốn và có tới gần 12 - 15% trong tổng số bỏ hoang không hoạt động. Trong điều kiện đất nước còn nghèo, việc hàng loạt các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa hoạt động không hiệu quả hoặc bị bỏ hoang chính là một sự lãng phí vô cùng to lớn.

Tỉnh An Giang hiện có 01 Trung tâm văn hóa tỉnh, 11 trung tâm văn hóa huyện, thị, thành phố, 65 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn và 219 khóm, ấp có điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao. Hệ thống nhà văn hóa các cấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần, cũng đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Tuy nhiên, giống như thực trạng chung của cả nước, hoạt động nhà văn hóa trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Hầu hết cơ sở vật chất của các nhà văn hóa đều tạm bợ, không phù hợp, thậm chí có những địa phương chưa bố trí được trụ sở, phải ở nhờ, ở tạm cơ quan khác. Trong số nhà văn hóa xã, chỉ có 5/65 xã tạm gọi là có cơ sở vật chất với hội trường và một vài phòng chức năng, còn lại đa phần chỉ là sân khấu ngoài trời. Cơ sở vật chất đã vậy, về hoạt động thì hầu hết chưa được như mong muốn. Ngay cả Trung tâm văn hóa tỉnh và các huyện, tuy có duy trì hoạt động, nhưng chất lượng hoạt động cũng đang là vấn đề đáng lưu tâm. Tình trạng người dân thờ ơ với các hoạt động biểu diễn văn nghệ, thông tin lưu động. Nhiều chương trình văn nghệ được tổ chức mà lượng người xem không có. Hoạt động đội văn nghệ rơi vào lối mòn, chưa có mô hình phù hợp; hoạt động câu lạc bộ - đội nhóm sở thích: xương sống của hoạt động nhà văn hóa, chưa được phát huy...

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên. Về mặt khách quan, một phần do mô hình xây dựng được áp đặt theo khuôn mẫu chung, không phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực, vùng miền. Vì vậy rất khó trong tổ chức các hoạt động nghiệp vụ. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý cứng nhắc, chưa theo kịp xu thế phát triển, nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Về mặt chủ quan, đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý văn hóa, cán bộ nghiệp vụ văn hóa còn thiếu và yếu về năng lực trình độ, chưa có nhiều cán bộ tâm huyết với nghề, chế độ đãi ngộ chưa hợp lý, công tác bố trí, quy hoạch đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp còn bất cập, cán bộ được bố trí thiếu cả bằng cấp chuyên môn lẫn vốn sống thực tiễn ngành nên gặp việc thì lúng túng, chưa đủ tầm định hướng phát triển dài hạn, chỉ chạy theo sự vụ sự việc là chính.

Bên cạnh đó, còn nhiều nguyên nhân quan trọng khác mà ta có thể kể ra như: vấn đề thiếu hụt kinh phí hoạt động, vấn đề trang thiết bị chuyên dùng chưa có hoặc xuống cấp...

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: tới năm 2020, 100% số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trên địa bàn cả nước có nhà văn hóa và thư viện. 80 - 90% xã, phường, thị trấn và 60 - 70% làng, thôn, bản, ấp có nhà văn hóa. Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Văn hóa - Thể thao tới 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh, đến năm 2020 bên cạnh cải tạo và nâng cấp, sẽ xây dựng mới 9 trung tâm văn hóa cấp huyện; 16 nhà văn hóa xã, 33 điểm sinh hoạt văn hóa thể thao ở các khóm, ấp phục vụ nhân dân.

Việc xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống thiết chế văn hóa nói chung, nhà văn hóa nói riêng là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, xây dựng cơ sở vật chất chỉ là điều kiện ban đầu; để có thể phát huy tốt nhất cơ sở vật chất ấy cho sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa cơ sở mới là vấn đề quan trọng. Trong bối cảnh việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế đang trở thành xu thế tất yếu cho phát triển thì bên cạnh việc lựa chọn mô hình xây dựng, vấn đề bộ máy, biên chế, vấn đề kinh phí hoạt động cho nhà văn hóa, nhất là nhà văn hóa ở cơ sở, cần phải được giải quyết. Hiện nay, rất nhiều hoạt động có thể mạnh dạn xã hội hóa theo hình thức đặt hàng, giao lại cho xã hội làm, sẽ bớt được gánh nặng của biên chế, bộ máy. Thực trạng viên chức đông, chất lượng và hiệu quả công việc không cao, góp phần làm cho thu nhập của viên chức nhà văn hóa hiện rất thấp, không khuyến khích được khả năng sáng tạo của họ. Việc xã hội hóa đương nhiên là giải pháp quan trọng nhất, tuy nhiên, xã hội hóa thế nào? Cơ chế khuyến khích xã hội hóa ra sao? Điều kiện ban đầu để kêu gọi xã hội hóa được chuẩn bị thế nào?

Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước mà nghị quyết của Đảng đã đề ra sẽ chỉ thành công nếu hệ thống thiết chế, trong đó có nhà văn hóa, phát huy tốt nhất vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình và để làm được điều đó, mô hình hoạt động nhà văn hóa trở thành bài toán cần phải có lời giải.
Mạnh Hà
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36723082