Truy cập hiện tại

Đang có 148 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập

Việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh.

Ngày 17-4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ hai. Tới dự buổi khai mạc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Vũ Đức Đam, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Mai Văn Ninh cùng đông đảo các học giả, độc giả trong cả nước.

Ngày sách Việt Nam – ngày hội văn hóa cộng đồng

Nhận thức được vai trò quan trọng của sách trong đời sống xã hội, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam. Ngay sau đó, các hoạt động hưởng ứng, chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần đầu tiên đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở tổ chức sôi nổi đã thu hút được các nhà xuất bản, các cơ sở phát hành xuất bản phẩm và đông đảo công chúng yêu sách nhiệt tình tham gia, trở thành một ngày hội văn hóa của cộng đồng.

Ngày sách Việt Nam lần thứ hai được tổ chức vào thời điểm Việt Nam đang tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn và diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của Đảng và  đất nước như kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng vào đầu năm 2016.

Hội sách chào mừng ngày Sách Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức tại thủ đô Hà Nội với chủ đề “Sách xưa và nay”. Ban Tổ chức Hội sách đã thiết kế theo từng chủ đề riêng, tạo thành một không gian văn hóa phong phú, đa dạng, nhằm tôn vinh sách, tôn vinh tinh thần hiếu học của người Việt Nam. Ban Tổ chức cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, tạo không khí sôi động cho ngày hội sách và trở thành điểm nhấn trong ngày Sách Việt Nam lần thứ hai.

Tại Hội sách, ngoài khu vực gian hàng được thiết kế gắn liền với đặc trưng riêng của từng đơn vị, có tổng diện tích sử dụng trên 1000 m2, phục vụ bạn đọc đến tham quan và mua sách, còn có khu vực trưng bày, xếp sách theo mô hình với các chủ đề bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đất nước trong năm 2015; khu vực giới thiệu xuất bản phẩm điện tử, giới thiệu thư pháp, chữ Việt cổ... Đồng thời tại đây còn có các hoạt động, sự kiện phong phú khác như: Hội thảo, tọa đàm về sách, các buổi diễn thuyết, giao lưu tác giả, giới thiệu sách hay, sách mới... Đặc biệt, ngày hội lần này còn có các chương trình, hoạt động xã hội hướng tới lợi ích cộng đồng, mang ý nghĩa xã hội tích cực như: các đơn vị đã trích một phần kinh phí từ lợi nhuận ở biên giới, hải đảo; xây dựng nhà nội trú cho học sinh tiểu học miền núi, vùng sâu, vùng xa; thu nhận sách trao tặng Chương trình sách hóa nông thôn...

 Đọc sách điện tử tại Hội sách

Hội sách cũng là nơi hội tụ giới thiệu bán sách, xuất bản phẩm với các gian hàng của nhiều nhà xuất bản, công ty phát hành sách trên cả nước. Mỗi gian hàng được thiết kế mang tính đặc trưng riêng của từng đơn vị tham gia, với hàng nghìn đầu sách, hàng vạn bản sách gồm nhiều thể loại phong phú và đa dạng như: sách thiếu nhi, sách văn họa, sách kinh tế, sách ngoại văn, sách điện tử và thiết bị số…
Điểm mới của hội sách năm nay là hội sách còn tổ chức những điểm cài đặt miễn phí ứng dụng đọc sách điện tử cho người đọc, hỗ trợ cài đặt các kỹ thuật khác liên quan đến sách điện tử nhằm hướng người đọc tới một không gian tri thức hiện đại, thuận lợi. Bên cạnh đó, hội sách còn nhiều hoạt động bên lề, thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân Thủ đô Hà Nội và trong cả nước, cũng như du khách quốc tế đến Việt Nam.

Cùng với Hội sách được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 1-4 đến 1-5, nhiều  cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ở Trung ương và địa phương đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Sách Việt Nam lần thứ hai. Không thể không kể tới các hoạt động như Tuần lễ phát hành sách chào mừng ngày Sách Việt Nam, Tháng phát hành sách chào mừng ngày Sách Việt Nam, tổ chức các gian hàng trưng bày, triển lãm, giới thiệu sách theo từng chủ đề, tổ chức giao lưu ký tặng sách; quyên góp sách cho trẻ em nghèo; tổ chức Ngày hội đọc sách theo từng chủ đề tại các trường học, phát động phong trào đọc sách trong thư viện Nhà trường; tổ chức các câu lạc bộ về sách với các hoạt động ngoại khóa; phát động các phong trào, chương trình ủy hộ sách hỗ trợ các trường học vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn. Đây là các hoạt động thiết thực, nhằm xây dựng văn hóa đọc cho thanh niên, học sinh, sinh viên và công chúng yêu sách. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Thông tin và Truyền thông còn chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng, tổ chức triển lãm sách về chủ đề Đất nước thống nhất. Triển lãm trưng bày, giới thiệu khoảng 10.000 đầu sách, tư liệu viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 – chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập…

Xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Phát biểu tại Hội sách, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó coi trọng xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Các thiết chế của văn hóa đọc đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng và đến nay dã phát triển thành một hệ thống rộng khắp trong toàn quốc. Cả nước hiện nay có 1 thư viện quốc gia, 63 thư viện cấp tỉnh, 650 thư viện cấp huyện, khoảng 2400 thư viện xã, phường, thị trấn và một hệ thống thư viện của các nhà trường từ phổ thông đến đại học, các thư viện khoa học – kỹ thuật, thư viện quân đội nhân dân, thư viện công an nhân dân... Chúng ta cũng xây dựng được hàng chục nghìn tủ sách pháp luật, tủ sách điểm bưu điện – văn hóa xã, tủ sách đồn biên phòng cùng với hàng trăm nghìn phòng đọc sách, tủ sách lớn nhỏ ở các bản, làng, thôn, ấp, tổ dân phố, khu dân cư... Các thiết chế đó đã và đang từng bước phát huy tác dụng tích cực trong việc phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa đọc cùng với văn hóa nghe nhìn thực hiện tốt chức năng tư tưởng, văn hóa, chức năng xã hội của mình.

Đồng thời, sự xuất hiện ngày càng nhiều tủ sách, thư viện tư nhân, thư viện gia đình với những bộ sưu tập sách phong phú, rất có giá trị, không chỉ có ở các thành phố, thị xã mà còn được phát triển ở các vùng nông thôn. Nhiều nhà sách, cửa hàng sách, siêu thị sách đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây tại các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp. Sự xuất hiện của Internet trong đời sống xã hội cũng đã tạo ra một phương thức đọc hiện đại, cung cấp một lượng thông tin, tri thức khổng lồ đến với đông đảo người đọc. Các hội chợ sách, phố sách cũng được tổ chức ở các thành phố lớn đã tạo cho công chúng được tiếp cận thường xuyên và dễ dàng hơn với sách, các loại văn hóa phẩm mới được xuất bản ở trong nước và trên thế giới.

Công tác xuất bản, in và phát hành cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Mỗi năm nước ta xuất bản hàng chục nghìn đầu sách, với tổng số phát hành hàng trăm triệu bản. Riêng trong năm 2014, toàn quốc có 63 nhà xuất bản, khoảng 1500 cơ sở in công nghiệp; hơn 13.7000 cơ sở phát hành xuất bản phẩm và hơn 13.500 trung tâm, siêu thị sách, nhà sách, hộ kinh doanh, các điểm bán sách trên toàn quốc; xuất bản được hơn 25.000 đầu sách với trên 361 triệu bản; xuất bản 859 loại văn hóa phẩm với gần 28 triệu bản. Mức hưởng thụ bình quân của người dân nước ta ở mước hơn 3 bản sách/người.

Có thể nói, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày nay cho thấy, dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng Internet là chủ yếu, thì sách vẫn không thể mất đi giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có của nó đã gắn bó với con người qua hàng nghìn năm lịch sử và cho đến tận hôm nay, sách vẫn là “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của con người.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi thăm các gian hàng ở Hội sách

Việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam hàng năm chính là nhằm mục đích xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng cũng như tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng và tôn vinh những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách. Đồng thời, Ngày Sách Việt Nam còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và mỗi người dân Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội hãy nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong từng cơ quan đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân, góp phần nâng cao trình độ dân trí, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về hưởng thụ văn hóa tinh thần giữa các vùng, miền và các đối tượng trong xã hội; ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội, hướng tới xây dựng một môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh, nhân văn, tiên tiến và giàu bản sắc hóa dân tộc.

Theo Nhà thơ Trần Đăng Khoa, sách chính là người thầy vô tận, người thầy thủy chung với mỗi con người. Sách chính là trí khôn của loài người đã tích tụ lại. Nhưng hiện nay, việc đọc sách đang bị “đe dọa”, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Bởi các em giành nhiều thời gian vào việc học tập trên lớp mà quên mất rằng, đọc sách chính là một cách học. Cách học đó mới là sâu sắc nhất. Theo nhà thơ, nếu các bạn trẻ mà đánh mất thói quen đọc thì đó là điều vô cùng đáng tiếc. Gia đình, nhà trường và cả xã hội cần phải tạo ra môi trường đọc sách lành mạnh cho các em.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề ra những định hướng lớn về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Vì vậy, có thể khẳng định việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân – Thiện – Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh./.

Thu Hằng/TGTW
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37127430