Truy cập hiện tại

Đang có 137 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống văn minh nông nghiệp và văn hóa của Tết trồng cây

(TGAG)- Từ xa xưa, tổ tiên ta đã dựa vào canh tác nông nghiệp để sinh sống và phát triển, hầu hết các lễ hội đầu Xuân của cộng đồng các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam đều gắn với văn minh nông nghiệp (các lễ vật dâng lên trời đất, thần linh đều là sản vật của nông nghiệp, nhằm cầu trời, cầu thần linh cho mưa thuận gió hòa, cho mùa vàng bội thu, cho gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở, cho ít sâu bệnh, cho sức người mạnh mẽ, dẻo dai, cần cù, sáng tạo...).

Dân ta vốn có truyền thống duy trì và tôn vinh nghề nông, nên sau thời gian nghỉ Tết ngắn ngủi (khoảng 5 ngày), ngày 28 Tết vẫn còn dầm chân cấy trồng trên ruộng, tới ngày 3 có nơi bà con đã ra đồng thực hiện công việc nhà nông. Để khơi gợi truyền thống trọng nông, đầu Xuân Đinh Dậu 2017, trên vùng đất thuở xưa Vua Lê Đại Hành đã nêu gương cho thần dân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mở đường cày đầu Xuân bằng chiếc máy cày, qua đó tạo nét đẹp văn hóa truyền thống và cổ vũ nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã về Hà Nam dự lễ khởi công một dự án lớn phát triển nông nghiệp sạch theo hướng hiện đại để nông sản Việt Nam tiến bước vững mạnh vào hội nhập quốc tế.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gần 60 năm qua, Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc ta, góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng. Tết trồng cây còn là nhiệm vụ mở đầu của năm mới, được triển khai trên khắp các tỉnh, thành, vùng, miền trên cả nước. Qua đó, đẩy mạnh phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh tạo không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi, rộng khắp trong mọi tổ chức, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân ngay từ những ngày đầu xuân. Tại Hà Nội, ngày mùng 6 Tết, Bí thư Thành ủy Hà Nội - Hoàng Trung Hải và nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố đã tham gia Tết trồng cây đầu Xuân Đinh Dậu, tạo điểm nhấn về thực hiện mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh cho Thủ đô, góp phần thúc đẩy phong trào tuyền thống “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Theo đó, tất cả quận, huyện, đơn vị, địa phương cơ sở trên địa bàn Hà Nội đều tham gia phong trào Tết trồng cây; các cơ quan, đơn vị, trường học, các phường vận động cán bộ, nhân dân, thanh niên, học sinh hưởng ứng bằng việc tham gia trồng cây nơi công sở, trường học, ngay tại nhà, tạo môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, góp phần cải tạo, bảo vệ môi trường. Mặc dù vậy, vẫn còn có cơ quan, đơn vị tổ chức, phát động Tết trồng cây rầm rộ, mang nặng tính phô trương, hình thức. Các buổi lễ phát động được tổ chức hoành tráng với rất nhiều người tham gia, nhưng số lượng cây trồng lại ít. Việc lựa chọn cây trồng chưa phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu và dân cư từng vùng.

Để "Tết trồng cây" đi vào chiều sâu, mang lại những hiệu quả thiết thực, vấn đề quan trọng đặt ra đối với các địa phương, các cấp, các ngành là: Cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi tầng lớp nhân dân có thể nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của "Tết trồng cây", theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bác Hồ "trồng cây nào chắc cây ấy, không nên tham trồng nhiều mà không bảo vệ và chăm non cây". Các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ theo kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Trong kế hoạch tổ chức Tết trồng cây, cần ghi rõ địa điểm trồng cây, trồng rừng cụ thể; bố trí trồng cây ở những nơi đất trống trong các cơ quan, khu công nghiệp, đơn vị, trường học, bệnh viện, quanh nhà, quanh vườn, ven đường, dọc bờ sông… Các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần quản lý chặt chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp từng vùng, miền cụ thể, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt, tranh thủ thời vụ, thời tiết thuận lợi để cây trồng có tỷ lệ sống cao. Tổ chức tốt việc chăm sóc, quản lý bảo vệ cây trồng, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hanh, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để bảo đảm cây trồng, rừng trồng phát triển tốt./.

Tuyết Ngọc
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37035111