Truy cập hiện tại

Đang có 52 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Trại sáng tác bài ca cổ viết về Tri Tôn thành công ngoài mong đợi

(TGAG)- Tháng 10/2015 vừa qua, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng UBND huyện Tri Tôn phối hợp tổ chức Trại sáng tác Bài ca vọng cổ tại mảnh đất Tri Tôn với sự góp mặt của 30 tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia.

 
Mảnh đất con người Tri Tôn giàu đề tài khơi gợi cảm xúc cho giới nghệ sĩ, với những tác giả đầy bản lĩnh và khả năng sáng tạo nhạy bén, trại sáng tác này đã thành công, gặt hái được nhiều tác phẩm hay, được chọn lọc đưa vào ấn phẩm mang tên “NỢ TRI TÔN ĐÂU CHỈ MỘT BÀI CA” hy vọng sẽ được phổ biến rộng rãi trong tương lai.

Tri Tôn là một huyện có nhiều ngọn núi không chỉ nổi tiếng với bao truyền thuyết hấp dẫn, mà còn có bao kỳ tích được ghi trong lịch sử cách mạng An Giang; Tri Tôn là huyện có tuyến biên giới gắn liền với con kinh Vĩnh Tế một thời khốc liệt được mệnh danh là con kinh Vĩnh Biệt khi đường dây chuyển quân, chuyển vũ khí tăng cường từ miền Bắc cho chiến trường Tây Nam Bộ bị kẻ thù bố trí lực lượng dày đặc để ngăn chặn; Tri Tôn có ngọn đồi Tức Dụp bên cạnh núi Cô Tô, có Ô Tà Sóc trên sườn núi Dài… là những di tích lịch sử; Tri Tôn có khu nhà mồ Ba Chúc lưu dấu tội ác của bọn diệt chúng Pôn pốt, Yên Sa Ri,v.v… những di tích lịch sử cách mạng, những chứng tích chiến tranh… đã làm nên một Tri Tôn anh hùng với truyền thống bất khuất, kiên cường.

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại, chiến đấu với thực dân, đế quốc để dành lấy độc lập tự do cho dân tộc, Tri Tôn đã gánh chịu biết bao đau thương mất mát; đồi núi, ruộng đồng và làng mạc tan nát vì bom đạn của kẻ thù. Bao nhiêu gia đình, bao nhiêu người đã đổ máu và hy sinh trên mảnh đất này, những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình thương binh liệt sĩ, những cán bộ cách mạng lão thành, những gia đình có công… rất cần được ghi nhận thông qua các loại hình nghệ thuật để làm tư liệu giáo dục truyền thống cách mạng cho những thế hệ nối tiếp.

Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, Tri Tôn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biên của Tổ quốc, đồng thời cùng với cả nước bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, chăm lo đời sống của nhân dân và xây dựng quê hương với những thành quả đáng để tự hào… Và gần đây nhất, Tri Tôn có con kênh mang tên của vị Thủ tướng đáng kính Võ Văn Kiệt có vai trò quan trọng trong điều tiết nước lũ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cả vùng Tứ giác Long Xuyên. Và, Tri Tôn cũng đã và đang nỗ lực thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm còn nhiều khó khăn cần được xã hội quan tâm.

Tri Tôn là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với nhiều ngôi chùa và sinh hoạt văn hóa dân tộc đặc sắc luôn được quan tâm gìn giữ bảo tồn; Tri Tôn có điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú với nhiều nét đặc trưng khác biệt so với nhiều huyện thị trong tỉnh và trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ruộng đồng ở Tri Tôn không chỉ có ở dưới đồng bằng mà còn được cấy trồng ở những vùng trên cao ven chân các ngọn núi; ngược lại rừng cây của Tri Tôn không chỉ phủ xanh đồi núi bảo vệ môi trường trong lành mà còn là nơi trú ngụ của bao nhiêu loài chim muôn trong những cánh rừng tràm dưới đồng bằng.

Những thành quả đầy tự hào mà Đảng bộ và nhân dân Tri Tôn nỗ lực phấn đấu đạt được cần được ghi nhận và phổ biến thông qua các loại hình văn học nghệ thuật, nhất là với thể loại bài ca cổ mang đậm bản sắc văn hóa Nam bộ vốn rất dễ lan tỏa và ăn sâu vào tâm thức con người, thông qua sinh hoạt hằng ngày như hoạt động đờn ca tài tử rất được ưa chuộng và phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân hiện nay. Các bài ca cổ viết về mảnh đất con người Tri Tôn không chỉ để góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân mà còn phục vụ cho công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đồng thời quảng bá hình ảnh mảnh đất con người Tri Tôn đến với bạn bè khắp nơi trong và ngoài nước.

Trong hai ngày đến thâm nhập thực tế tìm đề tài, tất cả các soạn giả tham dự Trại sáng tác đã được các đồng chí lãnh đạo huyện Tri Tôn, các ban ngành, đoàn thể và Hội Văn học nghệ thuật huyện nhiệt tình đón tiếp, hướng dẫn thật chu đáo, tạo nên ấn tượng và tình cảm tốt đẹp.

Chính vì vậy mà thành quả thu được ngoài sự mong đợi, dự kiến sẽ có 30 tác phẩm của 30 tác giả; nhưng đến nay, Ban Tổ chức đã tiếp nhận gần 50 tác phẩm, biên tập chọn lọc đưa vào tập kỷ yếu “NỢ TRI TÔN ĐÂU CHỈ MỘT BÀI CA” với 46 tác phẩm, đề tài phong phú, cách thể hiện đa dạng và mang giọng điệu riêng của từng tác giả, thể hiện tình cảm của mình dành cho mảnh đất con người Tri Tôn qua Trại sáng tác này. Ban Biên tập thật trân trọng và biết ơn.

Ngoài việc in các tác phẩm của các soạn giả vào tập kỷ yếu của trại; sau này, nếu có điều kiện thuận lợi, huyện Tri Tôn có thể đầu tư dàn dựng thu đĩa tiếng, đĩa hình để phổ biến rộng rãi cho công chúng thưởng thức. Tin rằng sẽ có những tác phẩm đi vào lòng người, tồn tại mãi với thời gian và “NỢ TRI TÔN KHÔNG CHỈ MỘT BÀI CA” đúng với tâm trạng của các soạn giả vì qua trại sáng tác này tất cả sẽ nhớ mãi món nợ ân tình với mảnh đất con người Tri Tôn anh hùng./.

Nhà văn  MAI BỬU MINH
(Trưởng ban tổ chức Trại Sáng tác bài ca cổ viết về Tri Tôn 2015)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37035814