Truy cập hiện tại

Đang có 152 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Nhiếp ảnh An Giang đi lên từ Cuộc thi Ảnh nghệ thuật truyền thống của tỉnh

(TGAG)- Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lý Hoàng Long - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Trưởng ban giám khảo cuộc thi Ảnh nghệ thuật truyền thống tỉnh An Giang lần thứ 30 vừa qua, đã hết sức ngạc nhiên khi biết rằng nhiếp ảnh An Giang đã duy trì cuộc thi ảnh nghệ thuật truyền thống của tỉnh được 30 năm và chính điều này đã đưa nhiếp ảnh An Giang không ngừng phát triển.

Từ cuộc thi này đã phát hiện ra nhiều nhân tố mới bổ sung kịp thời vào lực lượng kế thừa của Nhiếp ảnh An Giang. Đặc biệt, những tác phẩm nhiếp ảnh tham dự cuộc thi đều phải được chụp trên địa bàn tỉnh và đây cũng là cách quảng bá hình “đất và người An Giang” đến bạn bè trong nước và quốc tế. Trước thềm đại hội Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật An Giang, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Quảng Ngọc Minh - Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh AN Giang xoay quanh Cuộc thi ảnh nghệ thuật truyền thống của tỉnh và lực lượng trẻ kế thừa…


Phóng viên:
Xin chào NSNA Quảng Ngọc Minh, theo tôi được biết, hoạt động nổi bật nhất của phân hội nhiếp ảnh từ trước đến giờ là hằng năm đều tổ chức Cuộc thi ảnh nghệ thuật truyền thống và năm nay là lần thứ 30. Đây được xem như là cuộc vận động sáng tác và là động lực để nâng cao chất lượng tác phẩm, làm cho nhiếp ảnh An Giang không ngừng lớn mạnh, có vị trí cao trong khu vực và toàn quốc. Vậy anh có thể cho biết những tác dụng tích cực từ cuộc thi đối với việc sáng tác ảnh nghệ thuật của hội viên và những hạn chế của nhiếp ảnh An Giang?

NSNA Quảng Ngọc Minh: Từ sau liên hoan ảnh nghệ thuật tỉnh An Giang lần đầu tiên đến nay, chúng ta đã qua 30 lần tổ chức liên hoan truyền thống ảnh nghệ thuật nhân kỷ niệm ngày sinh của Bác Tôn. Thực tế ghi nhận qua những lần tổ chức như thế cho thấy sự tiến bộ của nhiếp ảnh tỉnh năm sau cao hơn năm trước được thể hiện qua các mặt.       

- Thứ nhất: Từ số lượng tác giả tham gia không đáng kể của ngày đầu đến nay lực lượng nhiếp ảnh trong tỉnh có đến gần con số trăm, trong đó có trên dưới 20 là hội viên Hội NSNA Việt Nam giữ vai trò nòng cốt góp phần tích cực thúc đẩy phong trào.

- Thứ hai: Hằng năm số lượng tác phẩm  được các nhà nhiếp ảnh sáng tác không dưới con số vài ngàn, tác phẩm không ngừng được chú trọng đầu tư công phu hơn, kỹ thuật cũng ngày càng được hoàn thiện hơn, sâu hơn và nội dung, hình thức cũng như giá trị thẩm mỹ thể hiện ngày hoàn thiện, qua đó phản ảnh một cách trung thực cuộc sống, bước phát triển xã hội, con người của địa phương mình.

- Thứ ba: Về công tác tổ chức ngày càng được quan tâm đầu tư và không ngừng đổi mới từ hình thức đến nội dung và qui mô của từng cuộc triển lãm.

- Thứ tư: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong sáng tác cũng như trong tạo ra những tác phẩm ảnh nghệ thuật ngày càng được hoàn thiện hơn.

Thực tế phải khẳng định nhiếp ảnh tỉnh nhà có được những thành tích như đã nêu trên là do hội tựu được những thuận lợi cơ bản về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cộng với cái chất chịu chơi của người dân Nam bộ, lực lượng nhiếp ảnh An Giang luôn vượt qua những khó khăn, thiếu thốn về phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, nhưng với niềm đam mê, một tâm huyết với nghề, nhiệt tình không cần đắn đo suy nghĩ luôn miệt mài sáng tạo để tìm ra cái mới, cái đẹp, và ước muốn tác phẩm của mình ngày càng hoàn mỹ hơn, để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh cũng như sự thưởng thức của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn nào đó chúng ta có thể thỏa mãn với những gì chúng ta đã đạt được. Nhưng chúng ta cũng phải khẳng định rằng thực tế Nhiếp ảnh tỉnh vẫn còn có những hạn chế chưa thỏa mãn được cái muốn của người cầm máy là đưa tác phẩm thực sự đến với đông đảo công chúng (người thưởng thức) một cách trọn vẹn và đầy đủ. Theo tôi những hạn chế trên là xuất phát từ những nguyên nhân:

- Thứ nhất: Về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tổ chức triển lãm chưa đáp ứng được yêu cầu, địa điểm tổ chức triển lãm chưa xứng tầm với cái gọi là cuộc triển lãm nên chưa thu hút được đông đảo người xem.

-Thứ hai: Vấn đề phổ biến tác phẩm ở ta vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bởi thực tế tại mỗi cuộc triển lãm tác phẩm được trưng bày dăm ba ngày, phục vụ cho vài ba trăm lượt người thưởng thức rồi thì được xếp thành đống cất vào kho do không có sự hợp đồng luân chuyển sử dụng.

Từ thực tế trên, cho thấy trong thời gian khá dài, chúng ta đã sử dụng một cách lãng phí những tài sản vô cùng lớn về giá trị vật chất mà chính chúng ta đã phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức và tiền của để có được. Vậy phải làm thế nào để đáp ứng được những đòi hỏi trên. Theo tôi, ngay từ bây giờ chúng ta phải ngồi lại nhưng không phải để nhìn những cái mà chúng ta đã làm được, mà chúng ta phải cùng nhau tìm ra những giải pháp tích cực để “Làm thế nào để nâng cao hơn nữa giá trị của tác phẩm”.

Phóng viên: Tôi rất đồng ý với anh, một khi chúng ta đã thấy được những nguyên nhân của những hạn chế của nhiếp ảnh An Giang trong thời gian qua, thì việc cấp bách là chúng ta phải “ngồi lại với nhau” không phải để nhìn về quá khứ mà cùng nhau hướng đến tương lai. Vậy, theo anh “làm thế nào để nâng cao hơn nữa giá trị của tác phẩm”? 

NSNA Quảng Ngọc Minh: Như trên đã trình bày, cá nhân tôi có những đề xuất dưới đây:

- Thứ nhất: Nên phát huy hơn nữa mối liên kết giữa các ngành và các địa phương trong tỉnh, tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp. Đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Hội Liên hiệp VHNT An Giang trên cơ sở việc thực hiện kế hoạch hàng năm  mà tổ chức lồng ghép để nhân rộng ra các cuộc triển lãm vào những thời điểm thích hợp, trong các sự kiện, những ngày lễ kỷ niệm trong năm của tỉnh.

- Thứ hai: Nhiếp ảnh tỉnh cũng cần tạo mối liên kết giao lưu trao đổi tác phẩm triển lãm với các tỉnh bạn, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Tây nguyên và tranh thủ sự hỗ trợ của Hội NSNA Việt Nam để làm cầu nối giao lưu tác phẩm với các khu vực khác trong cả nước có như thế thì giá trị của những tác phẩm mới có điều kiện vươn xa đến được với rộng rãi công chúng, những người thưởng thức.

Phóng viên: Đó là những đề xuất hết sức thiết thực, hy vọng nhiệm kỳ tới chúng ta sẽ thực hiện được. Còn một vấn đề nữa xin trao đổi với anh, là gần đây ở tỉnh ta, có rất nhiều nhóm, câu lạc bộ nhiếp ảnh trẻ tự phát, đam mê nhiếp ảnh và có tổ chức những chuyến đi thực tế “sáng tác” ảnh tự phát, rầm rộ... Vậy theo anh, những tác phẩm này và những tác phẩm ảnh nghệ thuật có những độ chênh lệch như thế nào? Ban Chấp hành phân hội nhiếp ảnh sẽ làm gì để thu hút họ vào sinh hoạt chung trong phân hội Nhiếp ảnh?

NSNA Quảng Ngọc Minh: Đúng vậy, hiện nay ở tỉnh ta có nhiều câu lạc bộ và nhóm chơi ảnh đã hình thành và tập trung chủ yếu ở 2 thành phố Long Xuyên và Châu Đốc như: Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Châu Đốc, nhóm Vỡ lòng… Ở Long Xuyên có Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Long Xuyên, nhóm ảnh APG (An Giang Photo Group)… Nhìn chung, đa phần các tay máy tham gia ở các câu lạc bộ, nhóm ảnh đều còn trẻ khỏe, năng động có đủ điều kiện về phương tiện và có trình độ trong đó cũng có nhiều anh là bác sĩ, giảng viên, nhà kinh doanh, cán bộ kỹ thuật .v..v… Họ chụp ảnh rất tốt và rất rành về nhiếp ảnh cũng như ứng dụng rất tốt các phần mềm photoshop trong việc xử lý hậu kỳ. Thực chất thì anh em chụp ảnh rất đẹp. Tuy nhiên nếu so sánh ở gốc độ nghệ thuật thì do cách thích gì chụp nấy thiếu sự đầu tư nghiên cứu, nên tác phẩm để gọi là hoàn chỉnh về nghệ thuật của anh em thì còn nhiều mặt hạn chế. Do đó, để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động cho anh em chơi ảnh, nhất là những người thích ảnh nghệ thuật. Chúng ta cần phải tập hợp họ lại tổ chức cho họ đi sáng tác và trong từng thời điểm tổ chức những buổi workshop trao đổi chuyên đề về: Kinh nghiệm trong sáng tác, cách phát hiện và xử lý đề tài, phương pháp bố cục, xử lý ánh sáng cũng như xử lý hậu kỳ.v.v…

Theo tôi được biết vấn đề này trong thời gian qua các câu lạc bộ và nhóm ảnh ở thành phố Châu Đốc làm rất tốt nên anh em họ tiến rất nhanh. Do đó cần được lãnh đạo Hội Liên hiệp VHNT tỉnh An Giang đặc biệt quan tâm tạo điều kiện thuận lợi và chấp thuận cho Phân hội Nhiếp ảnh tỉnh tổ chức các cuộc thi ảnh dành cho những tay máy không chuyên nhằm tạo sân chơi thu hút những anh em nhiếp ảnh ở các câu lạc bộ, nhóm chơi ảnh có chỗ để cọ sát nâng cao nghiệp vụ. Có thể nói đây một đội ngũ mạnh, một lực lương kế thừa đủ bản lĩnh góp phần xây dựng và phát triển phong trào nhiếp ảnh của địa phương trong những năm tiếp sau.
   
Phóng viên: Chân thành cảm ơn NSNA Quảng Ngọc Minh về cuộc trao đổi thẳng thắn và thú vị này.

TRẦN SANG thực hiện
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37135053