Truy cập hiện tại

Đang có 131 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Vấn đề rác thải nhựa ở Việt Nam hiện nay

(TGAG)- Theo thống kê, Việt Nam hiện xếp thứ 20 trên thế giới về phát sinh chất thải nhựa, với 3,27 triệu tấn mỗi năm và nằm trong top đầu những quốc gia có tỷ lệ chất thải nhựa được xử lý không đầy đủ, chiếm 5,76% trong tổng lượng chất thải nhựa không được xử lý đầy đủ trên toàn thế giới.

Bình quân một hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi ni lông/tháng, tương đương 01kg túi ni lông/hộ/tháng. Các loại túi ni lông được sử dụng tràn lan trong các hoạt động xã hội, chủ yếu là loại túi siêu mỏng. Hệ quả là lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt, ước tính lượng rác thải nhựa được tạo ra từ 1,8 - 2,8 triệu tấn/năm. Chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng trên 80 tấn nhựa và túi ni lông.
    


Nhiều người dân lo lắng khi lượng thu gom chất thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng đã gia tăng hàng năm. Đáng ngại là tỷ lệ chất thải được xử lý đúng kỹ thuật, hợp vệ sinh môi trường còn khá thấp, công nghệ xử lý và tái chế nhựa lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao, gây ô nhiễm môi trường. Việc phân loại chất thải tại nguồn còn hạn chế. Việc xử lý chất thải rắn bằng phương pháp đốt và chôn lấp sẽ gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng (tại thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 250 nghìn tấn chất thải nhựa được tạo ra, trong đó, 48 nghìn tấn được chôn trong các bãi chôn lấp (đa số là nhựa có giá trị thấp) chiếm 19,2%, còn lại hơn 200 nghìn tấn chất thải nhựa được tái chế hoặc thải trực tiếp ra môi trường). Dư luận cho rằng, chính thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của người dân là một trong những nguyên nhân cơ bản làm gia tăng rác thải nhựa, tạo áp lực lên môi trường sống.

Người dân đánh giá cao những chuyển biến tích cực của các ngành chức năng trong việc hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến từ ô nhiễm rác thải nhựa. Đặc biệt, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện quản lý và kiểm soát ô nhiễm rác thải nhựa. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy thực hiện cam kết và sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa; tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra liên quan đến việc quản lý, xử lý chất thải; hướng dẫn cho các đơn vị liên quan thực hiện quản lý chất thải nhựa theo quy định; khuyến khích cộng đồng tăng cường tái sử dụng túi ni lông, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa, cùng chung tay thành lập Liên minh chống rác thải nhựa. Ngày 04/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Thư kêu gọi cả nước chung tay hành động chống rác thải nhựa. Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 161/LĐCP kêu gọi cả nước chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Cho đến nay, phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được cộng đồng hưởng ứng, quan tâm và đồng thuận cao. Dư luận các tầng lớp nhân dân mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, chú trọng xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rác thải nhựa từ đất liền ra đến đại dương; đồng thời thông tin tuyên truyền, thay đổi nhận thức, thói quen của toàn thể nhân dân trong sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy.
    
Theo các chuyên gia, thói quen sử dụng túi ni lông, đồ dùng nhựa cùng với những hạn chế trong khâu tái chế, xử lý rác thải nhựa tạo ra “gánh nặng” ngày càng lớn đến kinh tế, môi trường cũng như sức khỏe của con người. Về mặt kinh tế, tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với các nền kinh tế là không nhỏ. Theo thống kê, chỉ riêng rác thải nhựa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã gây thiệt hại cho ngành du lịch, đánh bắt thủy sản và vận chuyển 1,3 tỷ đô la mỗi năm. Tổng thiệt hại kinh tế đối với hệ sinh thái biển toàn cầu do rác thải nhựa gây ra ít nhất là 13 tỷ đô la mỗi năm. Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh tác động về môi trường và sức khỏe con người từ rác thải nhựa. Để phân hủy hoàn toàn các sản phẩm nhựa, túi ni lông cần thời gian hàng trăm năm, đặc biệt là các sản phẩm nhựa thải ra đại dương có thể kéo dài hơn; trong khi đó, thời gian sử dụng lại ngắn, khả năng lưu giữ các thành phần độc hại lâu nên rác thải nhựa gây ra tác động xấu đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nguồn đất, nước và đại dương.
    
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam thuộc nhóm nước đang phát triển. Vì vậy, các sản phẩm bằng nhựa rẻ tiền, bền, dễ sản xuất được người dân ưa chuộng sử dụng. Ước tính trung bình 01 người Việt Nam sử dụng từ 5 đến 7 loại túi nhựa hàng ngày. Chưa kể sử dụng các loại cốc nhựa, thìa nhựa, ống hút nhựa,… và các sản phẩm bằng nhựa khác. Rác thải nhựa cũng chiếm phần lớn khối lượng rác thải trong các bãi rác tại Việt Nam. Các chuyên gia nhấn mạnh, sản phẩm từ nhựa tại Việt Nam chủ yếu được sử dụng một lần do chi phí rẻ, không mất công tái sử dụng nên nhiều người bỏ đi sau khi dùng. Các loại sản phẩm sinh học khác cũng chưa thể thay thế sản phẩm nhựa vì giá thành đắt.


    
Theo các chuyên gia, nhận thức được những ảnh hưởng tiêu cực từ rác thải nhựa đến môi trường và sức khỏe con người, các quốc gia trên thế giới đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp ở các cấp độ khác nhau nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Năm 2018, Liên Hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), hiện đã có 80 quốc gia trên thế giới đưa ra các lệnh cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường xử lý, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada ngày 09/6/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có sáng kiến đề xuất các nước G7 cùng thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa. Các chuyên gia nhận định, việc quản lý chất thải nhựa, túi ni lông trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng là vấn đề cần được thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, cùng toàn xã hội.
    
Trong thời gian tới, để góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số vấn đề sau:
    
Một là, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức chống rác thải nhựa, tổ chức các hội thảo phổ biến, truyền thông, tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng một lần túi ni lông khó phân hủy, khuyến khích cộng đồng tái sử dụng các sản phẩm nhựa, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
  
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí và đơn vị truyền thông đại chúng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát hiện và nhân rộng các mô hình, các sáng kiến thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích, động viên, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có đóng góp trong việc giải quyết vấn đề về rác thải nhựa.
    
Ba là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa; khuyến khích việc phân loại rác thải tại nguồn, tạo điều kiện dễ dàng cho việc xử lý rác thải. Bên cạnh đó, tuyên truyền công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý rác thải, tái chế chất thải nhựa thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế sản phẩm nhựa.

T.Ngọc
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36974774