Truy cập hiện tại

Đang có 335 khách và không thành viên đang online

Độc đáo làng nghề ở huyện Chợ Mới

(TGAG)- Trong cuộc sống hiện nay, hàng hóa phục vụ con người là vô cùng phong phú, đủ mọi chất liệu từ kim loại, nhựa, cao su, gỗ... và có nhiều ý kiến cho rằng sự mai một của các nghề thủ công là do tính chất quy luật cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường, những sản phẩm công nghiệp chiếm lĩnh thị trường, lấn áp những sản phẩm thủ công. Nhưng trong xu thế hiện nay, ngoài những sản phẩm mang tính công nghệ cao, người tiêu dùng đang hướng về những sản phẩm thủ công, càng tỉ mỉ, tinh xảo, càng ít có sự can thiệp của máy móc thì sản phẩm càng có giá trị, bán được giá cao và sự hồi sinh, phát triển mạnh mẽ các làng nghề thủ công ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang là điều tất yếu. 

Chợ Mới là huyện cù lao có dân số nhiều nhất tỉnh An Giang, có 13 làng nghề được UBND tỉnh công nhận gồm: 09 làng nghề truyền thống và 04 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, thu hút hơn 3.500 hộ tham gia và giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động. Với thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Các làng nghề đóng vai trò tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống.

Nối nghiệp và giữ nghề

 
Nghề vẽ tranh kiếng ở các xã Long Giang, Long Điền B có từ bao giờ thì không ai còn nhớ nhưng với Nghệ nhân Huỳnh Minh Quang, 72 tuổi, người có gần 50 năm làm nghề vẽ tranh kiếng ở xã Long Giang. Với mái tóc đã nhiều sợi bạc, nhưng vóc dáng và cử chỉ còn khỏe mạnh, bằng giọng nói ví dỏm, ông cho biết: "Đầu những năm 1950 của thế kỷ trước, lúc ông còn mặc quần xà lỏn bằng lãnh Mỹ A, áo vải tám, lon ton  đi tìm con chữ ở bậc tiểu học dưới trường xã thì ông đã thấy có vài người làm tranh kiếng ở chợ Dinh rồi. Khi trưởng thành, ông mới được biết thêm là trước đó người ta vẽ tranh lên giấy đem bán, sau thấy giấy mau hư nên vẽ lên vải, lên thiếc và cuối cùng phát hiện ra vẽ tranh lên kiếng lồng vào khung gỗ đạt được màu sắc rực rõ và có độ bền lâu, khó phai màu. Từ một vài hộ làm tranh bán tại chỗ, đến khi sức mua nhiều các hộ mới dạy nghề cho người dân trong vùng để làm ra nhiều sản phẩm hơn chở đi bán ở các vùng lân cận, rồi lan ra các vùng xa hơn ngoài tỉnh". Từ đó hình thành làng nghề.

Ông Quang mê vẽ từ khi còn đi học, nên khi lập gia đình ông xin cha mẹ cho vợ chồng ông một khu đất để mở một cơ sở nhỏ vẽ tranh và ông là người vẽ mẫu chính. Phần lớn tranh vẽ trên kiếng đều dựa theo điển tích lịch sử, điển tích tôn giáo, phong cảnh, câu đối và các truyền thuyết dân gian. Đây là nét văn hóa rất độc đáo, vừa mang tính tín ngưỡng, vừa gắn liền với đời sống người dân vùng sông nước vì đa phần đều theo đạo Phật. Do vậy, bức tranh vẽ trên kiếng ở đây hòa quyện được 2 yếu tố là dân gian và tôn giáo.

Tranh vẽ trên kiếng có 4 công đoạn: trước tiên là cắt kiếng theo quy cách chọn trước cho tấm tranh hoặc theo ý khách hàng, tiếp đến là vẽ nét theo mẫu (về sau là in lụa) trên kiếng bằng mực tàu những đường nét, hoa văn, vành viền… Sau đó, thợ vẽ sẽ tô màu, gắn các phụ liệu phản quang, phơi bản và cuối cùng là vô khuôn gỗ và xuất xưởng. Sự thành bại của tấm tranh hoàn chỉnh, bán được giá hay không phần lớn là do người chế tác mẫu theo ý khách hàng, kế đến mới là sự tỉ mỉ của đôi tay người thợ. Từ đó đòi hỏi người vẽ phải khéo léo, có tay nghề cao và mắt thẩm mỹ trong phối màu, nét bút thật sắc sảo thì tranh mới có hồn. Những lúc tranh kiếng thịnh hành, cơ sở của ông Quang có trên 20 nhân công lành nghề, phần lớn là do ông đào tạo dù ông chưa qua một lớp đào tạo nào mà từ kinh nghiệm của mình. Ông xem người thợ như người thân, con cháu trong gia đình nên khi chỉ dạy, ông và người được dạy rất chú tâm trong từng sản phẩm, trách nhiệm trong từng công đoạn, thị trường có đôi lúc ế ẩm, thị phần bị thu hẹp nhưng người thợ cũng không bỏ nghề và ông cũng không muốn người thợ mất việc nên hàng tồn kho là chuyện bình thường, rồi từ từ giải quyết sau chứ nhất định không bỏ nghề. Những bộ tranh kiếng ra đời phục vụ bà con từ hàng chục năm nay là từ đôi tay tài hoa của những nghệ nhân chưa từng học qua bất kỳ một lớp mỹ thuật hay hội họa nào, tất cả đều là kinh nghiệm cha truyền con nối từ bao đời, thông qua cần cù trong lao động, kết hợp nhuần nhuyễn với sự khéo léo, óc thẩm mỹ và sự sáng tạo không ngừng của nhiều thế hệ nghệ nhân và những gì tinh hoa nhất của làng nghề mà những nghệ nhân tranh kiếng ở Long Giang mong muốn truyền lại cho thế hệ con cháu để nghề tranh kiếng không bị mai một.


Được sự hướng dẫn của anh Trần Giang Hải - Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Chợ Mới, chúng tôi đến làng đan đát ấp Long Mỹ 2, xã Long Giang. Ban đầu nơi này chỉ có vài hộ sản xuất nay đã phát triển trên 100 hộ với gần 500 lao động có việc làm thường xuyên. Khác với những làng nghề khác, làng nghề sản xuất sản phẩm đan đát từ mây, tre, trúc cũng có nét độc đáo riêng của nó. Bước chân vào làng nghề, hình ảnh đầu tiên là từng đống tầm vông, trúc, tre nằm ngổn ngang cùng với thành phẩm phơi hai bên lề đường tạo nên bức tranh sinh động, đặc thù. Trong từng cơ sở sản xuất, nào máy khoan, máy cưa, máy vót nan… vang lên tiếng động cơ hòa lẫn cùng tiếng đục, đóng… tạo thành mớ âm thanh hổn tạp nghe thật vui tai. Bên cạnh những người thợ mồ hôi ướt đẫm lưng áo loay hoay với những đoạn tầm vông, tre, trúc dài, ngắn nằm ngổn ngang từng đống. Những thứ ngổn ngang đó qua những thao tác thành thạo của đôi bàn tay thiện nghệ đã biến thành những sản phẩm gia dụng nhưng không kém độc đáo như thúng, nia, sàn, rổ, rá… với nhiều kiểu dáng, mẫu mã đa dạng, thu hút không chỉ người tiêu dùng mà còn là hình ảnh đẹp trong mắt khách du lịch.

Anh Đinh Hùng Cường, sinh năm 1966, người nối nghiệp cha nghề đan đát trong làng cho chúng tôi biết: Cơ sở của anh giải quyết cho 10 lao động nông thôn có việc làm thường xuyên, với mức thu nhập bình quân 50 ngàn đồng/người/ ngày, chủ yếu là phụ nữ và người lớn tuổi rảnh rỗi việc ruộng đồng. Sản phẩn của anh và của làng nghề tiêu thụ ở khu vực nông thôn, 1/3 số lượng tiêu thụ khu vực thành thị, 80% sản phẩm của làng nghề sản xuất theo đơn đặt hàng nên rất ổn định đầu ra. Hiện làng nghề đã phân công chuyên môn từng khâu trong cả quy trình sản xuất như: tách, chẽ, vót, gài, đan, đát, lận, nứt... Làng nghề đang xúc tiến sản xuất những mặt hàng mỹ nghệ tre, trúc phục vụ du lịch và xuất khẩu.

Rời làng nghề đan đát, chúng tôi qua cầu treo Dân sinh để đến làng nghề chạm khắc gỗ xã Long Điền A. Đi dọc tuyến đường Tỉnh lộ từ thị trấn Mỹ Luông  đến Long Điền A đã nghe vang vọng thanh âm tiếng đục gỗ, tiếng mài, cưa và mùi thơm của gỗ, của nước sơn. Hai bên đường, gỗ chất cao, rồi sản phẩm tủ và bàn ghế nhiều chủng loại trưng bày đầy ắp các cửa hàng, các cơ sở sản xuất.

Đây là làng nghề theo cách nói của dân gian, cha truyền, con nối có hàng trăm năm tuổi gắn liền với một thời khai hoang mở đất. Được hình thành vào cuối thế kỷ XIX với nghề mộc chạm trổ rất tinh xảo và cải tiến nên đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng địa phương, các tỉnh trong khu vực và xuất khẩu. Đến nay, nghề chạm khắc gỗ Long Điền A vẫn được các thế hệ con cháu giữ gìn và phát triển, trong đó Nghệ nhân Hồ Xuân Lai (còn gọi là Tư Chia) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển làng nghề. Một bộ phận thanh niên được địa phương cử đi học nâng cao tay nghề ở các tỉnh, tiếp thu công nghệ mới, tinh hoa nghề mộc để về phát triển thêm mẫu mã phục vụ yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Đời sống người dân được nâng cao, thị hiếu về cái đẹp cũng nâng tầm, xu hướng trang trí nội thất bằng gỗ được người dân ưa chuộng, nhất là gỗ chạm trổ công phu, điệu nghệ bằng đôi tay người thợ thủ công. Nhờ đó, sức sống của làng nghề chạm khắc gỗ Long Điền A luôn bền vững với thời gian và càng tất bật hơn trong dịp cuối năm.

Nhìn đôi bàn tay đục, đẽo, gọt, lộng nhuần nhuyễn và điệu nghệ chạm vào từng thớ gỗ một cách tỉ mĩ của người thợ trẻ Võ Huỳnh Phúc, 17 tuổi, là truyền nhân và là cháu ngoại của ông Tư Chia, chúng tôi có cảm giác người thợ trẻ đang thả hồn vào từng cánh hoa, ngọn cỏ, áng mây, vầng trăng trong sản phẩm của mình, gửi gắm một thông điệp đến người thưởng thức, trong từng sản phẩm ấy có những giọt mồ hôi, óc thẩm mỹ và đôi bàn tay điêu luyện của người thợ.

Thợ trẻ Võ Huỳnh Phú tâm sự: “Em làm nghề này được mẹ và cha chỉ dạy đã ba năm, em vừa học phổ thông vừa làm nghề, đến nay các khâu khó, nhỏ, ngóc ngách của chạm khắc đều do em đảm trách. Khi học xong lớp 12 em không học lên cao nữa mà sẽ bám luôn với nghề để kế tục nhà xưởng và nghề nghiệp của ông bà, cha mẹ đã truyền lại cho mình”.

Bảo tồn và phát triển

Ngoài những làng nghề vừa nêu, huyện Chơ Mới còn có các làng nghề làm nón lá, đóng xuồng nghe, đan giỏ nylon, kéo dây keo, làm lò trấu... đã giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho hàng ngàn lao động ở nông thôn, góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Anh Phạm Văn Dương - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chợ Mới cho biết: "Huyện đã lấy kiến và được sự đồng thuận cao của các cơ sở, từ đó huyện sẽ quy hoạch khu làng nghề tập trung từ nay đến năm 2020. Trước mắt, thực hiện các giải pháp duy trì, phát triển làng nghề, tranh thủ các nguồn vốn từ cấp trên để hỗ trợ, thúc đẩy làng nghề phát triển, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm làng nghề truyền thống trong khu vực”.

Bảo tồn làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn là công việc vô cùng cần thiết trong thời kỳ hội nhập hiện nay, đòi hỏi nhiều hơn nữa sự năng động của chính làng nghề, đa dạng các thị trường tiêu thụ, sự quan tâm hỗ trợ trong ưu đãi đầu tư, tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn trong làng nghề của các cấp chính quyền nhằm ổn định đời sống các nghệ nhân tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, những người thợ thủ công yêu nghề, sáng tạo, cần cù đang từng ngày cống hiến cho đời những tác phẩm đẹp tôn vinh nghề truyền thống dân tộc, góp phần quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người An Giang nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung đến với bạn bè các nước trên thế giới thông qua du lịch. /.
                                                                                                 
VÕ QUỐC TUẤN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36708652