Truy cập hiện tại

Đang có 80 khách và không thành viên đang online

Trăn trở về Lãnh Mỹ A (kỳ 2)

(TUAG)- Khi nói đến Tân Châu người ta gọi ngay cái tên Xứ Lụa, bởi những thước vải Lãnh Mỹ A đã nổi tiếng đến mức trở thành một đặc trưng của vùng đất cù lao này. Trãi qua bao thăng trầm, Lụa Tân Châu vang bóng một thời đã dần mai một. Khiến cho những người gắn với nghiệp tầm tang phải trăn trở từng ngày. Mong sau một ngày Lụa Tân Châu sẽ trở lại thời hoàng kim vốn có.


Còn rất ít người gắn bó với những sợi tơ tằm

Tân Châu được biết đến với nghề dệt lụa nổi tiếng lâu đời, gắn liền với thương hiệu Lãnh Mỹ A. Tuy nhiên, đã qua rồi thời hoàng kim nhưng lụa Tân Châu (Lãnh Mỹ A) vẫn là cái tên gây nhiều tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Có thể nói để tạo ra được những tấm lụa mềm mịn óng ả, người Tân Châu phải hết sức kỳ công từ việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt cho đến nhuộm vải. Đây là nghề cha truyền con nối, được lưu giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác…  Lụa Tân Châu được nhuộm từ mủ của trái mặc nưa nên có màu đen tuyền, mặc vào mùa nóng mát lạnh, mùa đông ấm áp, chất liệu lụa dai bền không hút nước, mặc càng lâu càng lên bóng nhìn quý phái... Do phải mất nhiều thời gian và công sức để làm ra lụa Tân Châu, vì vậy giá cả của một thước lụa khá đắt, trong khi vào những năm 60-70, các hãng tơ tằm dệt bằng sợi ni lông xuất hiện, vải đa dạng, phong phú, giá lại rẻ nên lụa Tân Châu không đủ sức cạnh tranh, đời sống người lao động gặp khó khăn, nghề dệt truyền thống mai một dần. Xứ lụa trù phú ngày nào chỉ còn lại vài hộ cầm chừng gìn giữ nghề xưa, thậm chí khi nhắc đến cái tên Lãnh Mỹ A cũng chẳng còn mấy ai “nhớ mặt gọi tên”. Để giờ đây những người lâu năm trong nghề vẫn nhớ đau đáu từng công đoạn, từng cách làm… Nhưng có lẽ để làm tiếp thì không phải là chuyện dễ dàng. Bà Võ Thị Nữa - chia sẻ: "Bây giờ không còn được như ngày xưa nữa, có dệt cũng không có nơi tiêu thụ, mà cây mặc nữa cũng hiếm ai trồng”.

Nghề nào cũng cũng  nỗi lắm vất vả, gian nan, khổ cực mới gặt hái được thành công. Và đối với người Tân Châu, nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa cũng vậy. Mỗi công đoạn làm ra những thước lụa óng ánh ấy là bao nhiêu công sức, bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu mong ước với nghề. Từng công đoạn có những đặc thù rất riêng mà theo nhiều người muốn vào làm cũng không phải dễ. Từng người thợ lành nghề đã phải trãi qua rất nhiều thời gian để tiếp cận, làm quen, lĩnh hội được cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của Lãnh Mỹ A. Và đó cũng chính sự mai một mà không dễ gì khôi phục được. Bởi con người chính là vốn quý giá nhất! Ông Nguyễn Văn Long – Chủ cơ sợ dệt Lãnh Mỹ A – Tám Lăng chia sẻ: “Mỗi một công đoạn người thợ phải thực sự lành nghề và am hiểu tường tận. Do đó để có một người thợ giỏi cần phải trãi qua nhiều năm làm trong nghề. Chứ người tay ngang thì gần như không thể làm được”.


Không những khan hiếm thị trường đầu ra mà khan hiếm cả những thợ lành nghề
    
Ngày nay, nghề ươm tằm và nghề dệt lụa Tân Châu vẫn tiếp tục cải tiến không ngừng, thêm nhiều ý tưởng mới đáp ứng thị hiếu khách hàng. Mặt khác, tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, mọi công đoạn đều dùng máy để tạo ra những sợi tơ mềm và nhuyễn hơn. Năng suất mỗi lần ươm, dệt cũng được tăng lên đáng kể. Những bộ trang phục được may bằng lụa trông mềm mại, láng trơn toát lên vẻ thanh tao, quý phái cho người mặc. Đây chính là cơ hội quý báu để một làng nghề vốn nổi tiếng đã lặng im từ lâu có thể khôi phục lại như thời vàng son trước kia. Ông Nguyễn Văn Long - Chủ cơ sợ dệt Lãnh Mỹ A - Tám Lăng chia sẻ: Hiện giờ con tôi vẫn đang níu giữ nghề truyền thống của gia đình và xứ sở. Dự định mở rộng hơn để phát triển mang tính quảng bá thu hút khách du lịch và giải quyết lao động địa phương.

Đặc biệt trong những năm vừa qua, đã có các cuộc biểu diễn thời trang mang tầm vóc quốc tế đã sử dụng loại lụa này. Đồng thời, với xu thế thời trang hướng đến những sản phẩm có chất lượng cao mang dấu ấn dân tộc nên lụa Tân Châu bước đầu được khôi phục và tìm được chỗ đứng xứng đáng cho mình. Nghề dệt truyền thống Tân Châu có thể sống lại, đó là hạnh phúc lớn đối với những người dân vùng đất An Giang. Dù không thể trở về thời vàng son nhưng làng lụa Tân Châu hôm nay sẽ bắt đầu một cuộc hành trình mới - hành trình của những sáng tạo nghệ thuật, những giá trị văn hóa truyền thống cùng một sinh khí lao động mới.  Để con thỏi vẫn chạy đều trên khung cửi, những trái mặc nưa vẫn nhuộm đen đôi bàn tay, tiếng cạch cạch vẫn vang đều như ngày xưa vậy. Đó cũng là những mong mỏi của những người dân miệt mài làm ra từng thước lụa, để gìn giữ hồn quê, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông. Bà Lê Thị Kiều Hạnh – Chủ cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc cho biết: “Lãnh Mỹ A này ở Tân Châu cũng là cái nghề truyền thống của gia đình và của địa phương. Cho nên lúc nào cũng muốn gìn giữ và phát huy nghề dệt Lãnh Mỹ An này rực rỡ như ngày xưa”.


Bà Lê Thị Kiều Hạnh - Chủ cơ sở dệt nhuộm Hồng Ngọc trăn trở bên gian hàng lụa của mình

Hiện nay, được sự hỗ trợ của thị xã để phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở dệt Lãnh Mỹ A đã bắt đầu biết xây dựng thương hiệu, liên kết phát triển du lịch để quảng bá nét đẹp của Lụa Tân Châu. Để xứ sở Tân Châu ngày càng vang danh là xứ tầm tang với những thước lãnh Mỹ A đen tuyền. Mô hình phát triển làng nghề thủ công truyền thống cũng đang trở thành hướng đi mới trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam. Khi tham gia tour du lịch làng nghề, khách không chỉ được ngắm phong cảnh du lịch làng quê mà còn được thăm nơi sản xuất, thậm chí có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống. Thông qua hoạt động phục vụ du lịch, một số nghề thủ công truyền thống sẽ có khả năng phát triển như lụa Tân Châu, mang lại nguồn thu cho người dân ở khu vực này.  

Dù không thể trở về như thời hoàng kim vốn có, nhưng Lãnh Mỹ A của Tân Châu sẽ duy trì, khôi phục và được quảng bá nhiều hơn. Những người dân Tân Châu vẫn sẽ gìn giữ những gì quý báu nhất của quê hương. Để những con thoi vẫn miệt mài đưa tơ trên khung cửi, để những tiếng lạch cạch sẽ ngút ngàn vang vọng như thời xa xưa. Những đôi bàn tay ngã màu sẽ tiếp tục cho ra những thước vải đen tuyền; để Tân Châu được gọi với cái tên… xứ Lụa.

Khương Duy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36728838