Truy cập hiện tại

Đang có 222 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Văn hóa phản biện

(TGAG)- Theo Từ điển tiếng Việt, từ “phản” trong “phản biện” có nghĩa là ngược lại, ngược trở lại, xét lại; “biện” là phân tích, lý giải. “Phản biện” được hiểu là đặt lại, xét lại một sự việc, một vấn đề trên cơ sở lập luận, phân tích một cách khách quan khoa học có sức thuyết phục, nhằm phát hiện hoặc đưa các chính kiến trở về đúng giá trị của nó. Ban đầu khái niệm “phản biện” thường dùng để nhận xét, đánh giá chất lượng một công trình khoa học, sau đó dần mở rộng ra các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Văn hoá, hiểu theo nghĩa rộng là tổng thể sống động các giá trị về vật chất, tinh thần loài người sáng tạo ra trong lịch sử. Hiểu theo nghĩa hẹp, văn hoá là những giá trị chân, thiện, mỹ gắn liền với bản sắc, đặc trưng riêng có của một cộng đồng, một lĩnh vực, thậm chí một hoạt động cụ thể của con người. Hoạt động phản biện – một hoạt động xã hội, vì vậy cũng cần một hệ thống các giá trị, chuẩn mực đi liền với nó: Đó là văn hoá phản biện. Phản biện có văn hoá sẽ là động lực, là điều kiện, là phương thức quan trọng góp phần đảm bảo hiện thực hoá nền dân chủ. Phản biện không có văn hoá, không những không giúp nâng cao nền dân chủ, mà nó thậm chí còn là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội như: Chính trị, văn hoá, đạo đức, trật tự an toàn xã hội…

Những năm gần đây, hoạt động phản biện diễn ra hết sức sôi nổi và có tác động to lớn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là từ khi Bộ Chính trị (khoá XI) ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phát huy vai trò của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong giai đoạn 5 năm (2013-2018) đã thực hiện hơn 1.444 cuộc hội nghị, toạ đàm với gần 70.000 lượt đại biểu các tầng lớp, các giới tham dự và tham gia đóng góp ý kiến phản biện cho các dự thảo văn bản của các cấp, các ngành trong tỉnh. Ngoài ra, thông qua nhiều kênh khác nhau như: Báo chí; mạng xã hội; các cuộc hội nghị tiếp xúc cử tri; gặp mặt.. nhân dân trong tỉnh đã chủ động nêu ý kiến phản biện về các vấn đề mình quan tâm.

Thông qua ý kiến phản biện của các tầng lớp nhân dân, nhiều dự thảo chủ trương, chính sách, dự án luật, các quyết sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở được điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện sát hợp với đời sống thực tiễn; nhiều vấn đề trong lối sống, ứng xử, đạo đức xã hội… được mổ xẻ, phân tích thấu đáo trên nhiều góc cạnh giúp nhận thức chung của cộng đồng được nâng cao. Thông qua phản biện, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dần hình thành và xây dựng ý thức tôn trọng, phục vụ nhân dân; điều chỉnh hành vi; nâng cao đạo đức công vụ và chất lượng tham mưu theo hướng chuyên nghiệp và khoa học.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của toàn cầu hoá, sự bùng nổ và phát triển như vũ bão của đời sống thông tin, nhất là Internet và mạng xã hội, hoạt động phản biện đang đứng trước nhiều thách thức to lớn, trong đó đáng lo nhất là văn hoá phản biện.

Nói tới văn hoá phản biện là nói tới người phản biện và người được phản biện. Khi phản biện một vấn đề, người phản biện rất dễ rơi vào hai thái cực: Một là không dám nói vì “nể nang, né tránh, ngại va chạm” và hai là tâm lý a dua theo đám đông. Hằng ngày tiếp cận với nguồn thông tin khổng lồ, thật giả lẫn lộn, khó kiểm chứng, khó kiểm soát.. không phải ai cũng có đủ năng lực, trình độ và sự tỉnh táo để phân biệt, ứng phó. Đã có rất nhiều vụ việc, người ta hùa nhau “ném đá”, “phỉ báng”, “xúc phạm”.. một ai đó, một cá nhân hoặc một tổ chức nào đó, thậm chí bộc phát những hành động quá khích, vi phạm pháp luật chỉ vì a dua theo một vài thông tin chưa được kiểm chứng, một lời bình luận ác ý hoặc rơi vào âm mưu thâm độc của kẻ xấu từ mạng xã hội. Đó chắc chắn là những hành vi thiếu văn hoá!

Tuy nhiên, nơi này nơi khác, việc minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp, thực hiện trách nhiệm trong cơ chế phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội để tổ chức cho nhân dân giám sát cũng như phản biện vẫn còn nhiều hạn chế, mà trong Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ  của Bộ Chính trị (khoá XI), Tỉnh uỷ đã chỉ ra: “..thiếu sự phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội..”.

Vai trò của phản biện là rất quan trọng. Thực tế đã khẳng định phản biện là động lực của sự phát triển xã hội. Trong xã hội dân chủ, phản biện là nhu cầu cần thiết của cuộc sống và phải được coi là nét văn hóa. Để hoạt động phản biện phát huy tốt vai trò quan trọng của mình thì đã đến lúc cần quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng và hình thành văn hoá phản biện. Cần cụ thể hóa tiêu chí văn hóa phản biện trong cuộc sống, trước hết là đối với mỗi cá nhân, trong từng cơ quan, đơn vị. Quan tâm giáo dục cho các thế hệ tương lai ngay từ lúc ngồi trên ghế nhà trường biết các kỹ năng tranh luận, lắng nghe; biết đặt ra các câu hỏi tại sao; từ đó giúp hình thành văn hoá phản biện cho các thế hệ tương lai của đất nước. Hoạt động phản biện muốn đạt hiệu quả cao nhất thì vai trò của các nhà khoa học, giới trí thức; đội ngũ nhà báo, văn nghệ sỹ là rất quan trọng. Vì thế văn hoá phản biện còn thể hiện ở sức mạnh quy tụ tập hợp; thái độ cầu thị, tôn trọng, lắng nghe các ý kiến khác biệt; biết khơi thông và tạo điều kiện, tạo diễn đàn đối thoại; ở ý thức tự rèn luyện tư duy phản biện thành một bản năng, một thói quen./.

Nguyễn Mạnh Hà
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36720085