Truy cập hiện tại

Đang có 443 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(TGAG)- An Giang hiện có hơn 114.400 đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Hoa, Khmer, chiếm 5,17% dân số. Thời gian qua, tỉnh quan tâm xây dựng đời sống văn hóa gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn, phát huy và xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Trên cơ sở các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch cụ thể hóa. Đó là “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”; kế hoạch phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên tuyến biên giới tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2022. Triển khai kế hoạch kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày tuyên truyền di sản văn hóa điển hình của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020; đề án truyền dạy nghệ thuật Dì Kê của đồng bào Khmer tỉnh An Giang giai đoạn 2018-2020. Qua đó, từng bước củng cố, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên giới, dân tộc. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” các cấp luôn gắn kết chặt chẽ hoạt động xây dựng đời sống văn hoá với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp từng dân tộc, tôn giáo.


Dệt thổ cẩm Chăm thu hút du khách


Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tích cực phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Khmer; đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước...

Hàng năm, tỉnh tưng bừng tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch của đồng bào Chăm, Khmer với nhiều hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh tham dự. Đồng thời giữ gìn, nâng chất các lễ hội truyền thống của đồng bào như:  Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sen Đôn-ta của đồng bào Khmer. Đặc biệt, lễ hội đua bò Bảy Núi được tổ chức luân phiên hằng năm giữa hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Lễ Roya Haji, Tháng chay Ramadan của đồng bào Chăm... Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ các cấp đều tham dự lễ và tổ chức thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng đồng bào, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đáng phấn khởi, đến nay An Giang có 3 di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia được công nhận gồm: Lễ hội đua bò Bảy Núi (được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016), Tri thức và kỷ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer (được công nhận năm 2017) và Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (được công nhận năm 2015). Tỉnh còn lưu giữ nhiều tư liệu về nghệ thuật Dì Kê, đàn Chà Pây của dân tộc Khmer; các hình thức thực hành nghi lễ vòng đời và hơn 20 làn điệu âm nhạc cổ truyền của dân tộc Chăm..., góp phần bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Tại làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu) nơi giữ gìn nét đẹp đặc sắc văn hóa Chăm nhiều năm qua thu hút khá đông khách du khách trong và ngoài nước đến tham quan, bởi những nét văn hóa của vùng đất này. Tỉnh, thị xã quan tâm khai thác lợi thế phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề để thu hút du khách. Đến đây du khách được trải nghiệm cảm giác có thể cùng với người dân bản địa ăn uống, sinh hoạt, tập dệt thổ cẩm hoặc học vài điệu múa Chăm; được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Chăm như tung lò mò, bánh bò, cà ri Chăm…

Nét văn hóa Chăm với lối kiến trúc Nam Bộ, những ngôi nhà sàn gỗ vách lán, ngói đỏ nằm san sát bên bờ sông Hậu, trước mỗi ngôi nhà đều có bậc thang cao, cửa cái ra vào đều thấp hơn đầu người nhằm hàm chứa ý nghĩa khi khách bước vào nhà đầu cúi thấp để tỏ sự tôn trọng gia chủ. Nét văn hóa Chăm còn được thể hiện qua kiến trúc của ngôi thánh đường Mubarak, đây chính là điểm sinh hoạt tôn giáo của người Chăm theo đạo Hồi. Để bảo tồn, phát triển văn hóa Chăm, địa phương đã xây dựng các điểm dừng chân du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử văn hóa, liên kết các tour, tuyến với các làng Chăm để đưa du khách tham quan, trải nghiệm làng nghề truyền thống, tìm hiểu bản sắc văn hóa Chăm.
    
Tại vùng Bảy Núi, nét văn hóa của đồng bào Khmer khá độc đáo. Đối với đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam Tông, ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lưu giữ bản sắc dân tộc, vừa là chỗ dựa tinh thần trong sinh hoạt ở các phum, sóc. Chùa còn là nơi dạy kiến thức phổ thông, dạy chữ Việt-Khmer, dạy nhạc ngũ âm lưu giữ loại hình văn hóa-nghệ thuật truyền thống của dân tộc... Các giá trị văn hóa, đời sống, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer cũng rất phong phú đa dạng. Nghệ thuật truyền thống được duy trì tại các ngôi chùa trong cộng đồng dân tộc Khmer. Nhiều ngôi chùa còn là nơi lưu giữ những bộ kinh lá buông, có giá trị lớn về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tính ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.


Đặc sắc văn hóa Khmer


Không chỉ mang nét thẩm mỹ độc đáo, các chùa Khmer còn có dàn nhạc ngũ âm và là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật... Cứ mỗi dịp Tết Cổ truyền Chol Chnam Thmay diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục - thể thao cùng các loại hình nghệ thuật dân gian lưu truyền ở các phum, sóc phong phú. Tỉnh đã và đang đầu tư khai thác các loại hình du lịch để góp phần duy trì bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đồng bào dân tộc. /.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36710050