Truy cập hiện tại

Đang có 195 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Du khảo về nguồn - nét đẹp ngày Xuân

(TGAG)- Tết đến, Xuân về, nhất là sau kỳ thi học kỳ I căn thẳng, một số trường tiểu học vùng đô thị có điều kiện tổ chức cho học sinh du khảo về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, các điểm du lịch để học sinh thư giãn và tìm hiểu di tích, bổ sung nguồn kiến thức thực tế cho các em.

Có dịp tháp tùng cùng đoàn giáo viên và học sinh Trường tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Long Xuyên) đi du khảo về nguồn mới cảm nhận hết sự háo hức của hàng trăm học sinh khối 4, 5, kể cả của giáo viên và phụ huynh, học sinh đi cùng. Địa điểm đầu tiên đến là địa đạo Củ Chi, nổi tiếng là “vùng đất thép” của Việt Nam, cách trung tâm TP. HCM 70km. Đoàn giáo viên, học sinh, phụ huynh được khám phá những đường hầm bí ẩn trong lòng đất, tham quan thực tế đường hầm với các công trình nằm sâu dưới lòng đất: Hầm ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, hầm họi hộp, hầm chữ A chống sụp khi bom pháo nổ gần, hầm chứa lương thực, vũ khí và hầm núp bí mật, lỗ thông hơi, ổ chiến đấu, giếng nước, bếp Hoàng Cầm, công binh xưởng, nhà may quân trang….


"Được tham quan hầm địa đạo, khám phá từng ngõ ngách của con đường hầm nổi tiếng Việt Nam là một trải nghiệm tuyệt vời nhất và cũng khó quên. Sau khi đi hết khu hầm, đi dọc theo đường mòn, được thưởng thức khoai mì chấm muối rất ngon. Đến khu tái hiện vùng chiến tranh, được xem lại toàn bộ cuộc chiến tranh ở địa đạo Củ Chi với những mô hình sinh động..."-một học sinh chia sẻ.

Bước ra từ địa đạo Củ Chi, không riêng học sinh lần đầu khám phá với bao kiến thức thực tế mới mẻ, kể cả phụ huynh, trong đó có những người luống tuổi U 60, 70 cũng cảm kích vì lần đầu họ mới có dịp được "mục sở thị" địa đạo. "Ngộp, nóng, khó thở, sợ... đó là cảm giác khi em chỉ mới đi đoạn đường hầm có 70m, thế mà thời chiến tranh các anh, các cô chú ăn, ngủ, sống dưới đó, thật chúng em vô cùng khâm phục"- em Thanh chia sẻ.

Rời địa đạo, đoàn tiến thẳng ra Bà Rịa-Vũng Tàu, hơn 260 cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh ghé thăm nhà tưởng niệm nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Với lối kiến trúc độc đáo mang dấu ấn riêng biệt của vùng quê đất đỏ, nơi đây không chỉ là một điểm du lịch tâm linh mà còn là nơi trường cho các em đến để thể hiện lòng biết ơn.

Thầy Đặng Hoàng Nam, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn chia sẻ: "Theo nhiệm vụ năm học, hoạt động du khảo về nguồn là một trong những nội dung ngoại khóa để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Và hàng năm trường tổ chức du khảo về nguồn, kết hợp cho học sinh đến tham quan những di tích lịch sử và cảnh đẹp của quê hương, đất nước. Mục đích chuyến đi du khảo về nguồn lần này chúng tôi ghé thăm địa đạo Củ Chi và tượng đài khu lưu niệm chị Võ Thị Sáu, nữ anh hùng dân tộc tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Qua đây  để giáo dục cho các em biết về truyền thống lịch sử của Nhân dân ta đã có nhiều vị anh hùng đã hy sinh thân mình cho đất nước, trong đó có chị Võ Thị Sáu, đây là tấm gương để cho các em  học tập. Hiện nay chúng ta trong thời bình nhưng các em cần biết, cần hiểu để các em có những suy nghĩ và hành động hết sức đúng đắn, để các em sống tốt hơn".

Em Châu An, lớp 4G cho biết: "Tham quan địa đạo Củ Chi em hiểu rõ về tinh thần đấu tranh của dân tộc ta, những sáng tạo trong khó khăn một đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng Bác Hồ, Đảng đã lãnh đạo một cách tài tình để chúng ta có được hòa bình, hạnh phúc như ngày hôm nay. Là học sinh, bản thân em phải luôn có ý thức ham học, cố gắng học để không chỉ là con ngoan trò giỏi, mà lớn lên giúp gì cho quê hương, đất nước".

Các giáo viên thừa nhận, học lý thuyết các em chỉ nghe thầy cô nói lại những mốc lịch sử hay thuyết trình. Mặc dù, trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, có thể trình chiếu trên máy, nhưng để thu hút các em chú ý nhiều hơn và khắc sâu, hiểu rõ hơn các em phải đến thực tế.


Giáo viên, học sinh tham quan nhà tưởng niệm nữ anh hùng Võ Thị Sáu

Một chuyến đi đầy ý nghĩa, 140 học sinh, cộng với giáo viên phụ huynh hơn 260 người. Được đi thực tế, vừa chơi, vừa học, khiến các học sinh rất thích thú, giúp các em hiểu sâu sắc hơn về những gương đấu tranh chống giặc của đất nước ta, nhất là nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Qua chuyến đi các em đã học được rất nhiều điều, để vận dũng kiến thức bổ ích đã học.

Thầy Nam cho biết: "Trường tiểu học Lê Quý Đôn nằm ngay trung tâm nội ô TP. Long Xuyên, địa bàn khá thuận lợi, điều kiện về kinh tế của phụ huynh khá tốt, hơn nữa hơn 70% phụ huynh là cán bộ công nhân viên chức nên hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của các buổi dã ngoại. Vì thế, khi trường phát động, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên, phụ huynh. Từ đó, công tác xã hội hóa, vận động phụ huynh đóng góp chi phí rất thuận lợi".

Kết quả sau mỗi chuyến đi cho thấy, ngoài giáo dục cho học sinh còn giáo dục tuyên truyền ngoài cộng đồng xã hội, đó là cha mẹ học sinh. Nhiều phụ huynh bày tỏ nếu không được dẫn con đi với trường khó có thời gian, điều kiện để đến những địa danh lịch sử thế này. "Đây cũng chính là động lực để trường duy trì tổ chức du khảo về nguồn hàng năm"-thầy Nam chia sẻ.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37048267