Truy cập hiện tại

Đang có 123 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Thực trạng và giải pháp cho thiết chế văn hóa cơ sở

(TGAG)- Những năm qua, trên địa bàn tỉnh việc đầu tư cơ sở vật chất cho văn hóa được quan tâm chú trọng, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì thường xuyên và ngày càng phát huy được hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vui chơi giải trí, tham gia sáng tạo và hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Hoạt động của các trung tâm văn hóa, đoàn ca múa nhạc tổng hợp, trung tâm học tập cộng đồng, bưu điện văn hóa, đài truyền thanh, nhà văn hóa, khu thể thao... đã vận dụng linh hoạt những quy chuẩn, quy chế về tổ chức và hoạt động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư để tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa của nhân dân.
 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa ở tỉnh ta hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Đó là, sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền về lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chưa đầy đủ, chưa đúng mức. Công tác chỉ đạo các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Mức hưởng thụ về văn hóa của nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng biên giới mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn còn chênh lệch so với vùng đô thị; kinh phí hoạt động còn hạn hẹp; chưa huy động được các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng thiết chế văn hóa. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở còn yếu. Nhiều nơi nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, bưu điện văn hóa xã... hoạt động chưa thật sự hiệu quả, chưa tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu như: yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh, nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng, tái cơ cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới... Trong khi đó, đầu tư của nhà nước về văn hóa còn quá thấp so với nhu cầu phát triển và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao cơ sở luôn biến động, còn thiếu về số lượng, năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế; người làm công tác văn hóa xã hội ở cấp xã còn kiêm nhiệm quá nhiều việc.

Để phát huy có hiệu quả hoạt động hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần tổ chức triển khai và thực hiện một số công việc trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về vị trí vai trò và tầm quan trọng của thiết chế văn hóa cơ sở trong đời sống xã hội. Nhất là tổ chức quán triệt một cách sâu rộng nội dung Nghị quyết số 33-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chương trình hành động số 33-CT/TU ngày 21/5/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 33 và Kế hoạch số 559/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 15/12/2015.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là sự quan tâm sâu sát của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đối với việc xây dựng và tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa cơ sở, gắn với thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới; Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ba là, quan tâm đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo quy hoạch, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của mỗi địa phương, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư. Không nhất thiết nơi nào cũng có nhà văn hóa, nếu có thì phải đủ điều kiện về kinh phí, con người, địa điểm và nhất là phải có các câu lạc bộ hoạt động.

Bốn là, phải khai thác, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư; tăng cường vận động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng và tổ chức hoạt động lại các thiết chế văn hóa.

Năm là, quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ năng lực, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, bởi lẽ nếu không có cán bộ giỏi thì thiết chế tốt cũng không có ý nghĩa gì.

Sáu là, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng các thiết chế văn hóa. Kịp thời phát hiện, khắc phục những sai lệch; biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt trong công tác triển khai thực hiện và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở.

THANH TUẤN


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36720306