Truy cập hiện tại

Đang có 61 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Một số kết quả thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn

(TGAG)- Ngày 23/11/2010 Ban Bí thư Trung ương Đảng có Thông báo Kết luận số 396 về thực hiện Đề án xuất bản, trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở Thông báo kết luận của Ban Bí thư và Kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Tuyên giáo hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của các cấp ủy trong việc khai thác, bảo quản, sử dụng sách và các tài liệu.

Đến nay, An Giang có 156/156 xã, phường, thị trấn được nhận sách theo Đề án, sách cung cấp cho địa phương gồm rất nhiều loại thuộc các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử; sách phục vụ cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; sách hướng dẫn ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng, chính quyền, đoàn thể; sách phục vụ tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; sách về tình hình thời sự, thời cuộc trong nước, khu vực và thế giới... Trong điều kiện kinh phí ở xã, phường, thị trấn còn khó khăn, việc trang bị sách cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nghiên cứu, học tập, ứng dụng vào công tác, sản xuất được xem là việc làm rất hữu ích và thiết thực. 

Nhìn chung, việc quản lý, sử dụng sách Đề án đã đi vào nề nếp, phục vụ có hiệu quả nhu cầu đọc sách, học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cập nhật kiến thức, kỹ năng sản xuất cho người dân nông thôn. Để thuận lợi cho việc quản lý, sử dụng và khai thác ấn phẩm của Đề án, các cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm chỉ đạo việc lưu giữ, bảo quản sách, trang bị tủ sách, xây dựng quy chế bảo quản, sử dụng sách và các tài liệu được cấp phát, phân công người phụ trách rõ ràng, lập sổ quản lý sách; ngoài ra còn quan tâm chỉnh trang, tu bổ các địa điểm đọc sách như nhà văn hóa, thư viện, phòng đọc, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ và người dân đến đọc sách. Hiện tại, mỗi tháng có gần 40 - 60 lượt cán bộ và nhân dân tìm đến điểm đọc sách tại địa phương mình. Việc sắp xếp, bố trí lưu trữ sách báo, tài liệu đảm bảo ngăn nắp, trật tự tạo thuận lợi cho nhiều người tìm đọc.

Mặc dù mạng xã hội và công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, người dân có thể tiếp cận nhiều nguồn thông tin khác nhau, tuy nhiên sách và các ấn phẩm của Đề án vẫn được đông đảo cán bộ, nhân dân khai thác, tìm đọc. Để đáp ứng nhu cầu của người đọc, nhiều địa phương đã tổ chức luân chuyển sách xuống các tổ dân phố, khóm, ấp để phục vụ nhân dân, thành lập các điểm đọc ở các ban ấp; điển hình ở huyện Châu Phú đã thành lập 26 điểm đọc sách ở ấp; một số nơi như xã Mỹ Khánh, xã Mỹ Hòa Hưng thuộc thành phố Long Xuyên đã có thư viện phục vụ nhu cầu tìm đọc và cho mượn sách.

Tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ngày 7/4 vừa qua, ông Trần Quốc Dân, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, Trưởng Ban Tổ chức thực hiện Đề án sách đã có nhận xét: “An Giang có chuyển biến tích cực trong thực hiện Đề án, nhiều mô hình, cách làm hay để đưa sách đến tay người đọc; thời gian tới cần tăng cường việc trưng bày, giới thiệu sách tại các bưu điện văn hóa, thư viện, địa điểm sinh hoạt công cộng để nhân dân dễ dàng tìm đọc; có cách làm mới nhằm khuyến khích cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia đọc sách, mở rộng kiến thức...”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý, sử dụng sách Đề án trên địa bàn tỉnh vẫn còn mặt hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của Đề án, khâu quản lý còn lúng túng; một số nơi chưa có phòng đọc sách riêng, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến khai thác; có nơi thiếu tủ đựng sách, nhiều đầu sách chưa được trưng bày gây lãng phí; cán bộ làm công tác quản lý sách chủ yếu là kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ lưu trữ lại thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng đến công tác quản lý, theo dõi, bảo quản sách.

Sau nhiều năm được trang bị sách theo Đề án, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh rất đồng tình ủng hộ và kiến nghị tiếp tục duy trì thực hiện Đề án, khẳng định Đề án có ý nghĩa thiết thực đối với mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao dân trí cho nhân dân.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả Đề án, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kiến nghị Trung ương tăng cường cung cấp thêm các đầu sách mang tính thiết thực đối với địa phương, sách hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng, quản lý nhà nước, đoàn thể; sách nghiên cứu khoa học, lịch sử; sách về vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường sống; kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới; sách phổ biến kiến thức chăn nuôi, trồng trọt, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, giới thiệu những mô hình làm kinh tế giỏi ở nông thôn...

Ngoài ra Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ có kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn các cấp ủy trong tỉnh hiểu rõ mục đích, yêu cầu của Đề án sách; phát huy vai trò cấp ủy cơ sở trong việc kiểm tra đôn đốc, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án sách một cách hiệu quả; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong quản lý, khai thác sử dụng sách; đưa sách của Đề án trở thành nguồn thông tin chính thống, tin cậy cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ở cơ sở./.

P.TT-VHVN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37115126