Truy cập hiện tại

Đang có 182 khách và không thành viên đang online

Văn hóa - Văn nghệ - Thể thao - Du lịch

Quan tâm hướng dẫn, quản lý tốt việc sử dụng âm thanh trong các hoạt động văn hóa

(TGAG)- Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu giải trí của con người ngày càng tăng cao. Tại nhiều nơi, kể cả thành thị và nông thôn, hầu như rất nhiều đám cưới có thuê dàn  âm thanh và mời ca sỹ, nhạc công đến phục vụ nhằm tạo nên không khí sôi nổi, vui tươi. Không chỉ những đám tiệc “lâu lâu mới có một lần” như cưới hỏi, giỗ chạp… mà có khi anh em gặp nhau lai rai cũng kêu cho được dàn nhạc sống. Và phong trào “nhạc sống” đã trở thành “mốt” giải trí thời thượng ở nhiều vùng nông thôn hiện nay.

Hiện, toàn huyện Chợ Mới có 96 hộ kinh doanh cho thuê âm thanh, 79 cơ sở kinh doanh karaoke, 04 tụ điểm hát với nhau, qua đó góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú hơn.

Theo chúng tôi được biết, một dàn nhạc sống nếu chịu đầu tư hạng sang có chất lượng, bằng giá trị vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị từ vài trăm triệu đồng, nhưng cũng có những dàn chừng vài chục triệu đồng,… Với dàn nhạc sống này, người thuê phải trả từ 2 đến 3 triệu đồng để được phục vụ một đêm trong các tiệc cưới, chưa kể người dẫn Chương trình, ca sỹ. Đời người chỉ có một lần “cưới” nên nhiều gia đình không tiếc tiền thuê một dàn nhạc sống về để phục vụ cho ngày vui của con em mình. Một ngày gần đây, tôi có dịp dự đám cưới người bạn thân tại xã Long Điền B, đây là cơ hội gặp lại nhiều người thân, bạn bè sau bao lâu xa cách. Hội ngộ trong một dịp đầy ý nghĩa như thế này ai cũng rất mừng, nhưng tiếc là rất khó tâm sự, hỏi han nhau, bởi âm lượng quá lớn từ chương trình nhạc sống đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc chuyện trò giữa những người dự tiệc. Những người lớn tuổi, khi đi dự đám cưới họ rất sợ những tiếng nhạc đinh tai, nhức óc. Nhưng từ tâm lý thông cảm, đám tiệc lâu lâu mới có một lần, nên nhiều người đành im lặng, bỏ qua. Còn ngược lại đối với những người yêu âm nhạc trong đó giới trẻ hiện nay thì đây là “mốt” của tuổi trẻ, là món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi cuộc vui. Một người dân đam mê văn nghệ chia sẻ: “Theo tôi thấy, việc tổ chức các buổi văn nghệ trong tiệc cưới ở vùng nông thôn hiện nay nó rất là phổ biến. Đám cưới mà không có văn nghệ thì sẽ mất vui và không hào hứng. Khi đến tham dự một buổi đám cưới có nhạc sống mà chúng ta được hát những bài hát mình yêu thích để góp vui cho tiệc cưới thì càng thêm sinh động”.
 
Một loại nhạc sống di động rất được ưa chuộng hiện nay- đó là karaoke di động còn được gọi là dàn “karaoke kẹo kéo”. Không nhiều thiết bị và cồng kềnh như dàn nhạc sống hạng sang, karaoke di động thì gọn nhẹ: chỉ gồm một chiếc loa thùng di động 1 ampli, micro, màn hình khoảng 40 inch để đọc lời bài hát là có thể làm cho nhiều người cảm thấy vui vẻ, nhất là những người “chân lấm tay bùn”, hàng ngày chăm bẵm công việc đồng áng. Dàn nhạc này, vốn đầu tư nhẹ, nếu kể cả xe gắn máy trên 20 triệu đồng. Giá tiền cho thuê trung bình của loại này khoảng 80 đến 100 ngàn đồng/giờ. Một người bạn, cho thuê “karaoke di động” cho biết: “Đây là một loại hình rất ưa chuộng hiện nay, ai có nhu cầu cứ việc alo sẽ đem tới ngay. Đặc biệt giá cả thì bình dân nên mọi người thuê và ca hát thoải mái, mục đích chỉ là giúp vui vì bạn bè lâu lâu mới gặp nhau một lần”.

Theo nhiều người dân cho biết, loại hình hát karaoke dàn âm thanh kẹo kéo rất tiện người cho thuê đầu tư máy tính xách tay, 3G để lên mạng lấy bài hát hoặc bài tân cổ mình yêu thích, cứ theo đó mà hát vì chữ chạy trên màn hình. Hiện tại, không khó để tìm thấy những tấm bảng tự quảng cáo của các đội nhạc sống và ở bất kỳ thời điểm chỉ cần bấm số điện thoại là có ngay. Bà Lê Thị Cẩm Nhung- Phó Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chợ Mới, cho biết: “Hiện nay, phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương ngày càng phát triển. Nhân dân tích cực đầu tư mua sắm trang thiết bị âm thanh để phục vụ trong đám tiệc, lễ hội. Từ đó góp phần làm cho đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế là việc sử dụng âm thanh phục vụ trong đám tiệc có lúc ảnh hưởng đến giờ giấc sinh hoạt của nhân dân”.

Đôi lúc, có cuộc nhậu kéo dài và ai cũng tranh nhau thể hiện tài “ca sĩ” của mình; càng uống càng say nên từ hát thành “hét” tạo ra thứ âm thanh hỗn độn, quái dị. Hỗ trợ tích cực cho cái sự “hét” to hơn, vang hơn và chói tai hơn là hệ thống máy tăng âm, loa thùng thuộc loại “khủng” làm người nghe, nhất là người già, ngày nghỉ ngơi không được, đêm mất ngủ, trẻ con học bài không vô. Chú Oai Dũng, ấp Phú Hạ 1, xã Kiến Thành, nhận xét: “Đám tiệc, nhạc sống chỉnh âm thanh quá lớn tôi thấy không được, bắc gì đâu ở tuốt trên kia tới đây rất xa mà còn nghe rầm rầm, tình trạng này khiến bà con gần nơi đó ban đêm ngủ không được. Nên tôi đề nghị đám tiệc thì chỉnh âm thanh vừa đủ thôi. Chứ đám tiệc mình nói gì được người ta bây giờ, ban ngày thì được còn ban đêm thì nên chỉnh vừa đủ nghe xung quanh đó thôi chứ chỉnh lớn quá trời quá đất, khoảng hai ba trăm mét còn nghe mà”.

Phong trào nhạc sống ở nông thôn hiện nay đã nở rộ khắp nơi, hiện cứ 10 nhà tổ chức đám tiệc gì đó, thậm chí đó chỉ là 1 tiệc nhậu “cóc, ổi” với vài ba “chiến hữu” thì ít nhất 8 nhà có chơi nhạc sống với quy mô khác nhau. Nhưng phải thừa nhận đây là một nhu cầu giải trí lành mạnh, chính đáng, trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa ở khắp các vùng nông thôn, bởi nó được sự hưởng ứng và ưa chuộng của rất nhiều người ở khắp nơi. Điều đó cho thấy, đời sống tinh thần của nông dân ở nông thôn đã được nâng lên rõ rệt, đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để hạn chế sự thoái quá, mà cụ thể là giờ giấc, cường độ âm thanh và những tiêu cực khác có thể phát sinh như nhậu say gây gổ đánh nhau làm mất an ninh trật tự xã hội thì thiết nghĩ Ngành Văn hóa cần thực hiện các giải pháp quản lý về mặt Nhà nước đối với hoạt động này một cách cụ thể và có hiệu quả trong thời gian tới. Bà Lê Thị Cẩm Nhung- Phó Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chợ Mới, cho biết: “Thời gian tới, Phòng Văn hóa- Thông tin huyện sẽ tổ chức Hội nghị hướng dẫn tạm thời trong việc quản lý cho thuê âm thanh, nhạc cụ phục vụ văn hóa, văn nghệ nơi công cộng cho các hộ cho thuê âm thanh trong huyện và cán bộ văn hóa xã- thị trấn; Hướng dẫn các tổ chức, các cá nhân kinh doanh cho thuê âm thanh thực hiện cam kết khi tổ chức biểu diễn nghệ thuật hoặc cho thuê âm thanh đám tiệc phải có chương trình, nội dung biểu diễn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng thời phải đăng ký với địa phương. Thời gian phục vụ đối với Đoàn biểu diễn nghệ thuật không quá 24 giờ đêm. Đối với âm thanh phục vụ đám tiệc phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con xung quanh, theo quy định là từ 06 giờ đến 21 giờ. Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra và hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt trong việc sử dụng âm thanh karaoke di động. Đồng thời trang bị các máy đo độ ồn âm thanh cho Đội kiểm tra liên ngành huyện để nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của Pháp luật.”./.

Hải Đăng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36723608