Truy cập hiện tại

Đang có 100 khách và không thành viên đang online

Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về công tác giáo dục chính trị tư tưởng

(TGAG)- Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng muốn tồn tại, phát triển, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng tiến lên thì trước hết “phải có chủ nghĩa làm cốt”, bởi “Không có lý luận cách mạng, thì không có phong trào hành động cách mạng” và trong Đảng ai ai cũng phải hiểu, nắm vững tinh thần đó làm cơ sở cho hoạt động thực tiễn. Lấy chủ nghĩa “làm cốt”, theo Hồ Chí Minh đó là cơ sở nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng để Đảng định ra cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược và mục tiêu cần đạt tới của cách mạng, đảm bảo cho sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động trong Đảng.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã chỉ ra nhiều giải pháp, bước tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phù hợp với từng đối tượng nhằm mang lại hiệu quả cao nhất: đối với thanh niên, học sinh, sinh viên cần “dùng các cuộc nói chuyện, các báo chí để tuyên truyền những tư tưởng cộng sản chủ nghĩa... giáo dục chính trị bằng các cuộc nói chuyện, các sách báo, và các cuộc thảo luận về đấu tranh giai cấp...”.

Đối với công tác của thầy cô giáo Người dặn dò: “Trẻ em như cái gương trong sáng, thấy tốt thì ảnh hưởng tốt, thấy xấu thì ảnh hưởng xấu, cho nên phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng trước, chính thầy giáo, cô giáo cũng phải tiến bộ về tư tưởng...”; “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và... đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật...”; “Phối hợp việc giáo dục của trường học với việc tuyên truyền và giáo dục chính trị chung của nhân dân”. Người chỉ rõ: “Giáo dục, phát triển khá về số lượng, nhưng kém về chất lượng, vì thiếu giáo dục chính trị và đạo đức cách mạng cho học sinh..”.

Đối với cán bộ, công nhân “phải tăng cường việc giáo dục chính trị và nâng cao tư tưởng của cán bộ và công nhân bằng cách: Bồi dưỡng tư tưởng của giai cấp công nhân- đấu tranh chống tư tưởng của giai cấp tư sản. Bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân. Bồi dưỡng quan điểm lao động (lao động trí óc và lao động chân tay phải kết hợp chặt chẽ), chống quan điểm xem nhẹ lao động chân tay. Nâng cao tinh thần làm chủ... nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính tích cực của mọi người...”.

Nếu như “việc giáo dục chính trị còn sơ sài, thiếu sót. Vì vậy mà một số cán bộ và công nhân còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, thái độ làm thuê, thiếu tinh thần làm chủ tập thể. Do đó mà có những hiện tượng xấu như lười biếng, kèn cựa, thiếu kỷ luật, tham ô, lãng phí”.

Đối với nông dân, người lao động “cần phải tăng cường giáo dục chính trị kết hợp với văn hóa, làm cho mỗi người có ý thức học để phục vụ chủ nghĩa xã hội...”, “Đảng gửi cán bộ ưu tú nhất về nông thôn làm công tác giáo dục chính trị để nông dân hiểu rõ ảnh hưởng tích cực đó”.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục chính trị, tư tưởng cho mọi tầng lớp nhân dân, cho người lao động đó là trang bị cho họ một hệ thống những kiến thức về lĩnh vực chính trị của đời sống xã hội. Trên cơ sở đó hình thành ý thức giác ngộ chính trị, mà quan trọng nhất là hiểu rõ và nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân... Từ đó cho ta thấy người “được học chính trị, được hiểu, thì khi ra làm việc sẽ khác ngay. Người không hiểu biết chính trị, chỉ phất phơ cốt làm sao cho hết ngày, hết giờ thôi. Do đó, giáo dục chính trị, tư tưởng là một điều rất quan trọng”.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Công tác xây dựng Đảng về chính trị trước tình hình mới tiếp tục được coi trọng. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội. Coi trọng giữ vững bản chất giai cấp công nhân và các nguyên tắc hoạt động của Đảng… Chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận có bước được nâng lên. Công tác tư tưởng được coi trọng và tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội…”.

Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, sức mạnh tổng hợp, thế và lực của nước ta tăng lên rõ rệt, vị thế, uy tín quốc tế không ngừng được nâng cao; uy tín của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, tình hình trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, những yếu kém trong quản lý kinh tế, sự phân hóa giầu nghèo, tồn tại một số điểm nóng, bức xúc xã hội, khiếu kiện về đất đai, môi trường chậm được giải quyết, tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp; sự chống phá của các thế lực thù địch, nhất là sử dụng mạng xã hội, facebook, tác động của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, những diễn biến phức tạp về tình hình biển Đông… đòi hỏi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên trong điều kiện mới phải được quan tâm hơn nữa, đổi mới cả về nội dung, phương thức thực hiện.

Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã hình thành quan điểm về công tác giáo dục chính trị tư tưởng hướng tới hình thành văn hóa chính trị cho nhân dân lao động với các nội dung chính, đó là:

Giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng, “làm cho thế giới quan Mác - Lê-nin và tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội”.

Giáo dục truyền thống chính trị và những giá trị chính trị được đúc kết trong lịch sử, góp phần tạo nên một nền văn hóa chính trị tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa chính trị phản ánh sâu sắc sự thống nhất của độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.

Giáo dục sâu sắc lý tưởng chính trị của giai cấp công nhân và của dân tộc, niềm tin vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Giáo dục bản lĩnh, sự nhạy bén chính trị và đấu tranh khắc phục sự mơ hồ về chính trị. Hiểu sâu sắc tri thức chính trị, nhất là tri thức ở trình độ lý luận, đồng thời bám sát thực tiễn chính trị trong nước và quốc tế, tích cực tham gia vào phong trào chính trị của quần chúng, hòa mình vào đời sống chính trị đất nước là con đường chủ yếu đạt tới bản lĩnh chính trị và sự nhạy bén chính trị ở mỗi cá nhân.

Giáo dục tính tích cực chính trị - xã hội, đấu tranh chống sự thụ động và thói thờ ơ chính trị. Đây là nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị -tư tưởng, là một biện pháp quan trọng để hình thành, phát triển tính tích cực chính trị - xã hội cho nhân dân lao động nước ta hiện nay.

Với những tư tưởng và quan điểm như trên cho chúng ta thấy rõ, giáo dục chính trị tư tưởng để hình thành văn hóa chính trị cho nhân dân lao động là một nhiệm vụ quan trọng của Đảng và hệ thống chính trị, nhằm trang bị cho nhân dân lao động một hệ thống những kiến thức về lĩnh vực chính trị của đời sống xã hội. Trên cơ sở đó tạo sự giác ngộ về chính trị, hình thành những quan niệm, quan điểm đúng đắn về các vấn đề chính trị, mà quan trọng nhất là hiểu rõ và nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân... Từ đó, củng cố niềm tin vào chế độ và định hướng hành động tích cực, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, có sức đề kháng trước những tư tưởng phản động, xuyên tạc của kè thù, cùng chung xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

H.B
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36722950