Truy cập hiện tại

Đang có 377 khách và không thành viên đang online

Việt Nam sau hơn 1 tháng không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

(TUAG)- Sau những ngày tháng căng thẳng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác trong cả nước, đến nay, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh.

Hơn 1 tháng qua, Bộ Y tế đã không ghi nhận thêm ca dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Đây là thành quả rất lớn của Chính phủ, các ngành chức năng, các địa phương, nhất là đội ngũ y, bác sĩ  trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu. Theo Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế sức khỏe đều ổn định, hiện không còn bệnh nhân COVID-19 nặng, nhiều người đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ghi nhận và đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian qua. Từ khi dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng và sau đó lây lan đến nhiều địa phương, nhiều người dân hết sức lo lắng bởi nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao và phức tạp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, Việt Nam đã dần kiểm soát được dịch bệnh, mặc dù đợt dịch lần này có số ca mắc tăng cao hơn nhiều so với trước, nhiều ca đã tử vong (chủ yếu là người cao tuổi và có bệnh lý nền). Dư luận đánh giá, một lần nữa Việt Nam đã cho thấy khả năng ứng phó, phòng chống dịch bệnh rất tốt. Điều đó bắt nguồn từ sự chủ động, tích cực của các ngành chức năng và sự đồng thuận của nhân dân đối với các chính sách của Chính phủ. Nhiều người cho rằng, những quy định nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng và chính quyền ở các địa phương có dịch mặc dù có ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, nhưng nhờ đó các ổ dịch đã được khống chế thành công, giảm thiểu sự lây lan do dịch bệnh gây ra. Điều đó cho thấy, những biện pháp quyết liệt đã và đang phát huy tác dụng tích cực khi chúng ta đồng thời thực hiện hai mục tiêu kép, đó là: vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Đặc biệt, dư luận đánh giá rất cao việc chúng ta đã giữ được an toàn cho cộng đồng, đảm bảo được sự ổn định cần thiết để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.



Dư luận các tầng lớp nhân dân cho rằng, thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của chúng ta trong thời gian qua là rất lớn, tuy nhiên chúng ta không thể chủ quan, xem nhẹ việc phòng, chống dịch. Dư luận nhất trí cao với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Thủ tướng nhấn mạnh, không được chủ quan, lơ là để dịch bệnh bùng phát trở lại; yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh kiểm soát chặt chẽ tất cả các nguồn nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là nhập cảnh trái phép. Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn chi tiết, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho người dân, các chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà đầu tư. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành Chỉ thị số 21 (ngày 02/10/2020) về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ thị yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị; tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Người dân đánh giá, dù đã nhiều ngày qua dịch bệnh không xuất hiện trong cộng đồng, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các ngành chức năng cho thấy quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong cuộc chiến đẩy lùi COVID-19.

Không chỉ dư luận trong nước, dư luận quốc tế cũng đánh giá cao thành công của Việt Nam trong cuộc chiến COVID-19. Tạp chí Counter Punch của Hoa Kỳ vừa đăng bài phân tích về sự thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19, trong đó nêu bật tinh thần đoàn kết của người dân. Trang website của đài ABC (Úc) vừa có bài viết phân tích các chiến lược hiệu quả Việt Nam đã áp dụng trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ngay cả khi phải đối mặt với làn sóng thứ 2, đồng thời khẳng định: “Sự đồng thuận của người dân là yếu tố quyết định để thành công”. Tờ Kompas của Indonesia đăng bài viết có nhan đề “Xử lý COVID-19 và Phục hồi kinh tế, yêu cầu Indonesia học hỏi Việt Nam”, tác giả cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã bị suy thoái kinh tế do COVID-19 nhưng vẫn có những quốc gia có nền kinh tế chưa rơi vào bờ vực suy thoái giữa đại dịch, đó là Việt Nam… Dư luận quốc tế đánh giá Việt Nam đã hành động một cách xuất sắc, luôn chủ động, sẵn sàng hợp tác và hoàn toàn minh bạch; có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch của Chính phủ cao nhất thế giới.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong điều kiện mới; tuyên truyền nhằm ổn định tâm trạng, tư tưởng của nhân dân, tránh tư tưởng chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được mà lơ là thực hiện các biện pháp phòng tránh.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền những kết quả đạt được của Việt Nam trong thời gian qua, nhấn mạnh đã hơn một tháng qua, Việt Nam không có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, kinh tế đang tiếp tục có những bước phát triển, đời sống người dân ổn định, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được đánh giá cao.

Ba là, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tăng cường công tác thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền tạo động lực, khí thế thi đua cùng thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2020, tạo đà cho các năm tiếp theo.

P.TT
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36727207