Truy cập hiện tại

Đang có 560 khách và không thành viên đang online

Một số nội dung cần lưu ý trong sưu tầm, xử lý tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ

(TGAG)- Tư liệu lịch sử là cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất đối với công tác nghiên cứu lịch sử Đảng. Đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “muốn nghiên cứu lịch sử Đảng thì trước hết phải có đầy đủ những tài liệu cơ bản về lịch sử Đảng với tất cả chi tiết của nó. Thực hiện công tác tư liệu tức là chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác nghiên cứu và biên soạn lịch sử Đảng”.

Nguồn tư liệu phục vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ được lưu trữ tại nhiều nơi: các kho lưu trữ của Trung ương, địa phương và các cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể; các thư viện, bảo tàng; tại gia đình, dòng họ; điền dã, khảo sát thực tiễn; trên mạng internet… Để khai thác và sử dụng có hiệu quả những tư liệu này, Ban sưu tầm tư liệu và người nghiên cứu cần xác định rõ chủ đề nghiên cứu từ đó định hướng sưu tầm, khai thác tư liệu cho phù hợp.

Trước tiên, Ban Sưu tầm tư liệu cần ưu tiên khai thác nguồn lưu trữ tại cơ quan. Xác định rõ những tư liệu đã có và cần khai thác bổ sung những tư liệu nào, trên cơ sở đó xác định thời gian và địa điểm khai thác phù hợp. Trường hợp, cơ quan, đơn vị của mình không lưu trữ đủ tư liệu cần thiết cho việc nghiên cứu, Ban Sưu tầm tư liệu cần tiếp tục khai thác tư liệu ở cơ quan cấp trên hoặc cấp dưới trực tiếp. Bởi vì, cấp ra văn bản bao giờ cũng lưu văn bản, gửi xuống cấp dưới để triển khai thực hiện hoặc gửi lên cấp trên để báo cáo.

Thứ hai, Ban Sưu tầm tư liệu phải ghi đầy đủ các thông tin về tư liệu: Tên tư liệu (nếu là văn bản phải ghi đầy đủ cả chữ và số văn bản, cơ quan và thời gian phát hành), tên cơ quan lưu trữ, mã ký hiệu của cơ quan, loại hình tư liệu (tư liệu gốc hay tư liệu sao chép). Tư liệu là bản dự thảo của văn kiện, tư liệu ghi chép trong sổ tay…. Đối với tư liệu nằm trong những công trình đã được công bố, cần ghi rõ: Tên tác giả, tên công trình (sách báo, tạp chí…), tên cơ quan xuất bản, thời gian xuất bản, số trang chứa tư liệu khai thác. Đối với tư liệu hồi cố và điền dã, cần ghi rõ: Họ tên, tuổi, địa chỉ, chức vụ (trước đây), số điện thoại và một số thông tin liên quan khác. Đối với tư liệu khai thác trên các trang mạng internet, phải chọn các website chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Quốc hội, đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị các cấp… Mỗi tài liệu khai thác được cũng phải ghi rõ nguồn đính kèm.

Thứ ba, sau khi sưu tầm, khai thác được một khối lượng tư liệu nhất định, cần phân loại tư liệu. Việc này giúp việc sử dụng tư liệu khoa học, hiệu quả hơn. Có nhiều cách phân loại tư liệu: Phân loại theo cách phản ánh: Tư liệu phản ánh lịch sử trực tiếp (các văn kiện gốc, chứng tích lịch sử…) và tư liệu phản ánh lịch sử gián tiếp, thông qua nhận thức của con người (các công trình nghiên cứu lịch sử, phim ảnh, tư liệu hồi cố,…). Phân loại theo loại hình chứa thông tin của tư liệu: Tư liệu thành văn (chữ viết); tư liệu vật chất (những dấu tích lịch sử còn tồn tại); tư liệu phim, ảnh. Phân loại theo xuất xứ tài liệu: Trung ương, địa phương, tổ chức, cá nhân. Phân loại theo thể loại: Văn kiện, sách, báo, tạp chí. Phân loại theo nội dung: Chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, đối ngoại...

Trong các nguồn tư liệu trên, tư liệu thành văn, nhất là tư liệu văn kiện có vị trí đặc biệt quan trọng. Nghiên cứu công trình lịch sử đảng bộ của cấp nào thì trước hết cần tư liệu văn kiện của cấp đó, tiếp theo là những văn kiện cơ bản của cấp trên, một số văn kiện của cấp dưới; kế đến là tư liệu hồi cố, tư liệu điền dã và tư liệu phản ánh gián tiếp, kết quả nghiên cứu của các công trình khác có liên quan.

Thứ tư, tư liệu sau khi được phân loại phải được thẩm định, xác minh nhằm đảm bảo độ tin cậy.

Việc thẩm định, xác minh tư liệu thực hiện theo nguyên tắc: Đối với tư liệu chữ viết: Tư liệu gốc (tư liệu có đóng dấu của cơ quan ban hành) có độ tin cậy tuyệt đối. Tư liệu sao chụp: Tư liệu sao từ bản gốc độ tin cậy cao hơn tư liệu sao từ bản sao khác; trong các bản sao không xác định được sao từ bản gốc, thì bản sao gần thời điểm ra đời của bản gốc có độ tin cậy cao hơn bản sao sau thời gian đó. Ví dụ, tư liệu gốc hình thành năm 1950, thì bản sao năm 1951 có độ tin cậy cao hơn bản sao năm 1970. Việc xác định thời gian ra đời tư liệu, căn cứ vào thời gian ghi trên tư liệu, đồng thời có thể kết hợp với các biện pháp khác như: Căn cứ vào chất liệu giấy, mực in, ngôn ngữ, công nghệ in…

Đối với tư liệu hồi cố: Đây là tư liệu rất quý, tuy nhiên những tư liệu này thường mang đậm ý kiến chủ quan cá nhân người cung cấp, nên việc sử dụng tư liệu phải hết sức thận trọng. Một sự kiện hoặc nhân vật lịch sử được từ 3 ý kiến trở lên xác nhận một cách độc lập, thì được coi là có độ chính xác cao.

Đối với tư liệu điền dã, khảo sát thực tiễn, càng nhiều người có chung ý kiến về một vấn đề thì độ xác thực của vấn đề càng cao.

Thứ năm, sau khi phân loại, xử lý tư liệu thì phải tập hợp, sắp xếp để biết nguồn tư liệu phục vụ chủ đề nghiên cứu đã đủ hay chưa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai nghiên cứu, biên soạn. Việc tập hợp, sắp xếp tư liệu thực hiện theo các cách: Theo thứ tự thời gian, theo chủ đề, hoặc kết hợp vừa theo thời gian vừa theo chủ đề.

Tập hợp, sắp xếp theo thời gian giúp người nghiên cứu biết được những khoảng thời gian nào đủ tư liệu, khoảng thời gian nào còn thiếu tư liệu để tiếp tục khai thác, bổ sung tư liệu cho phù hợp. Các sắp xếp này thuận lợi cho việc nghiên cứu, biên soạn công trình biên niên sự kiện lịch sử.

Tập hợp, sắp xếp tư liệu theo chủ đề giúp người nghiên cứu biết được tư liệu phản ánh về những sự kiện chính và nội dung chính của chủ đề nghiên cứu còn thiếu để có kế hoạch bổ sung. Cách này thuận lợi cho việc nghiên cứu, biên soạn các chuyên đề chuyên sâu.

Việc tập hợp, sắp xếp tư liệu theo thời gian kết hợp với chủ đề giúp người nghiên cứu, biên soạn biết được tổng thể tình hình tư liệu của chủ đề nghiên cứu. Cách này phù hợp với việc biên soạn lịch sử Đảng bộ./.

Kim Tuyến
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36723082