Truy cập hiện tại

Đang có 119 khách và không thành viên đang online

Về đề xuất “khai tử” sổ hộ khẩu từ ngày 31/12/2022

(TUAG)- Ngày 13/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, với đa số đại biểu biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý được báo chí và dư luận quan tâm là quy định thời gian “khai tử” sổ hộ khẩu.

Theo điều khoản thi hành được quy định trong Luật, kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành 01/7/2021, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.



Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bày tỏ sự đồng tình cao về việc tới đây sổ hộ khẩu sẽ không còn được sử dụng để chứng minh nơi cư trú của người dân. Nhiều người cho biết, sổ hộ khẩu vô cùng quan trọng với các gia đình ở Việt Nam từ mấy chục năm nay. Sổ hộ khẩu không chỉ chứng minh nhân thân, nơi ở của một người trong suốt cuộc đời mà còn là loại giấy tờ bắt buộc trong rất nhiều thủ tục hành chính, pháp lý của người dân. Trên thực tế, đã có rất nhiều vấn đề nảy sinh từ cuốn sổ hộ khẩu, gây không ít phiền hà đối với người dân. Nhiều người vì không có hộ khẩu thường trú đã bị phân biệt ngay trong khi làm các thủ tục hành chính, nhất là khi xin việc trong cơ quan Nhà nước, đăng ký bảo hiểm xã hội, nhập học cho con... Dư luận cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi khoa học công nghệ đã và đang phát triển mạnh mẽ thì việc thay thế quản lý công dân từ sổ hộ khẩu sang một hình thức khác là tất yếu, phù hợp với khách quan, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác cải cách hành chính.
    
Theo các chuyên gia, việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Công dân làm các thủ tục hành chính có liên quan sẽ không cần xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà sẽ được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân. Nhiều chuyên gia đánh giá, khi quản lý cư trú bằng mã số định danh, người dân sẽ được cập nhật, khai thác thông tin của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Các chuyên gia khẳng định, bỏ sổ hộ khẩu, bỏ chứng minh nhân dân là phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội, rất đáng hoan nghênh. Ngoài ra, điều này bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp, Luật Cư trú là công dân có quyền tự do đi lại, cư trú, bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp. Việc bỏ sổ hộ khẩu là bước cải cách thủ tục thiết thực và quan trọng trong việc tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền công dân của mình, cũng như chính quyền thực hiện tốt công việc quản lý về dân cư. Việc quản lý dân cư, thực hiện các thủ tục hành chính cho công dân cũng đơn giản, gọn nhẹ hơn. Cán bộ thực hiện công vụ cũng không thể đưa ra những lý do liên quan đến sổ hộ khẩu để đòi hỏi, sách nhiễu hay cản trở người dân. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Các cơ quan nhà nước nên hạn chế các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú, hạn chế các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú (sửa đổi).
    
Bên cạnh đó, dư luận các tầng lớp nhân dân cũng bày tỏ sự băn khoăn khi bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú, thay vào đó là quản lý bằng mã số định danh cá nhân sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở…) cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân (về hưởng thừa kế, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng…). Hơn nữa, theo Luật Căn cước công dân, chậm nhất từ ngày 01/01/2020 phải thực hiện thống nhất công tác quản lý công dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và đã chậm tiến độ so với yêu cầu của Luật.
    
Để góp phần giúp người dân hiểu và đồng thuận với Luật Cư trú (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua trong đó có vấn đề bỏ sổ hộ khẩu, công tác tuyên truyền cần chú ý một số vấn đề sau:
    
Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với việc bỏ sử dụng sổ hộ khẩu, thay vào đó là quản lý bằng mã số định danh cá nhân là một nhu cầu khách quan, tất yếu trong bối cảnh xã hội hiện nay. Tuyên truyền nhấn mạnh những ưu thế, thuận lợi cho người dân khi bỏ sổ hộ khẩu trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính để từ đó tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
    
Hai là, tiếp tục tuyên truyền sự nỗ lực của các các cơ quan, ngành chức năng trong việc hạn chế các thủ tục gây phiền hà đối với người dân liên quan đến sổ hộ khẩu, từng bước cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, giảm chi phí, thời gian cho người dân.
    
Ba là, theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, diễn biến tâm trạng, ý kiến phản hồi của người dân về vấn đề bỏ sổ hộ khẩu để kịp thời thông tin, định hướng dư luận.

Phan Nguyên
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37044246