Truy cập hiện tại

Đang có 75 khách và không thành viên đang online

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy dân chủ

(TGAG)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Đảng ta là đảng cầm quyền; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân”; “cán bộ, đảng viên là công bộc của dân”… Tôn trọng tinh thần dân chủ, Bác coi dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân và thực hành dân chủ là “chìa khóa vạn năng” để giải quyết mọi khó khăn.

Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ. Trong nước dân chủ thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng Nhân dân là mạnh nhất. Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Muốn vậy, thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân. Theo Hồ Chí Minh “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”.

Từ chỗ đánh giá cao vai trò của dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Vì vậy, dù bận rất nhiều công việc đối nội, đối ngoại, nhưng đến với quần chúng, về với dân để học dân, hỏi dân, hiểu dân, nghe dân nói, thấy dân làm, để nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý luôn là nhu cầu thường trực của Bác. Hàng trăm lần Bác đi về cơ sở không đơn thuần chỉ là tác phong quần chúng, mà chứa đựng trong đó là phong cách phát huy dân chủ. Bởi vì, Người đến với quần chúng là để lắng nghe và thấu hiểu, thấu cảm cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân miền ngược, miền xuôi, nông thôn, thành thị. Người muốn nghe được tiếng dân, đi vào lòng Nhân dân, hiểu được nhịp đập của cuộc sống xung quanh. Phong cách ấy làm cho lãnh tụ và quần chúng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc nhất. Người chỉ rõ: “Để phát huy ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”.

Học tập và làm theo Bác, Đảng ta luôn quan tâm việc củng cố và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân dưới nhiều hình thức dân chủ khác nhau. Nhiều phương hướng, giải pháp đã được đưa ra nhằm thúc đẩy việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa một cách toàn diện. Qua đó, quyền làm chủ của Nhân dân ngày càng được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền đã lắng nghe, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, tôn trọng các loại ý kiến khác nhau.

Vai trò, sức sáng tạo của Nhân dân trong tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư được phát huy. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn. Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được Nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả như: Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự …

Tuy nhiên, từng lúc từng nơi vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc phát huy dân chủ như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời, chưa tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận các thông tin, nhiều nơi thực hiện còn mang tính hình thức, đối phó; việc phát huy vai trò, trách nhiệm của Nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế. Thậm chí, có nơi nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu, địa phương, cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hóa những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Một số người có chức, có quyền còn quan cách, thiếu dân chủ…; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp quần chúng, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng còn nhiều vấn đề bất cập.

Bên cạnh đó, do nhận thức chưa đầy đủ nên một bộ phận người dân lợi dụng dân chủ để yêu cầu, đòi hỏi không chính đáng, không đúng pháp luật, thậm chí bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối, tụ tập đông người, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc phát huy dân chủ trong thời gian tới, các cấp các ngành, từng cán bộ đảng viên cần quan tâm thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Điều cốt yếu đầu tiên là phải cung cấp thông tin cho Nhân dân; việc cung cấp thông tin phải chân thực, kịp thời và công khai. Có công khai thì mới có dân chủ, vì công khai là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hành dân chủ.

Với tinh thần “dân làm gốc”, các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp phải biết lắng nghe các ý kiến của quần chúng Nhân dân, nắm bắt dư luận xã hội trong Nhân dân một cách nghiêm túc, phân tích nội dung các ý kiến của Nhân dân một cách khoa học để nắm bắt chính xác, kịp thời tình cảm, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân. Phải tạo các điều kiện thuận lợi (phương tiện, diễn đàn…) để Nhân dân có thể nói lên suy nghĩ thật của mình, được bày tỏ quan điểm, chính kiến về những vấn đề mà mình đang quan tâm, vì lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ và vì sự phát triển chung của mỗi địa phương, của đất nước. Chính quyền các cấp không được phép thờ ơ trước những sáng kiến của quần chúng nhân dân để tránh tình trạng sáng kiến của người dân trong chế độ dân chủ trở thành đặc quyền của một thiểu số người với mục tiêu vụ lợi. Ngoài ra, phải tạo mọi điều kiện để dân được kiểm tra, chất vấn, theo dõi, giám sát, qua đó sẽ ngăn chặn được các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, đồng thời các công việc được đảm bảo chất lượng tốt hơn…

Thực tế cho thấy, người dân được cung cấp thông tin công khai, trung thực, kịp thời, được bàn bạc, trao đổi ý kiến, sẽ tự giác tuân thủ, thực hành các quyền dân chủ theo quy định của pháp luật.

Không ngừng phát huy dân chủ, góp phần khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của Nhân dân, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân./.

____________
Hoài Trường
(TTCTTT số 5-2019)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37056640