Truy cập hiện tại

Đang có 164 khách và không thành viên đang online

Học “vượt khó” theo Bác Hồ - trở thành nông dân sản xuất giỏi

(TGAG)- Từ lúc còn học phổ thông, anh Cao Thanh Phí sinh năm 1965 ở ấp Sơn Tây, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên luôn tâm huyết với bài thơ “Giã gạo” của Bác Hồ: “Gạo đem vào giã bao đau đớn, gạo giã xong rồi trắng tựa bông. Sống ở trên đời ai cũng vậy, gian nan rèn luyện mới thành công”. Những năm còn là Đoàn viên Đoàn thanh niên ở xã Thới Sơn, anh Phí cũng từng giác ngộ đoạn thơ mà Bác đã từng nói với thế hệ trẻ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lắp biển, quyết chí, ắt làm nên”. Sống nơi vùng Núi Két, một vùng đất khắc nghiệt với cái nắng nóng gay gắt vào mùa khô hạn, người thanh niên này đã từng có khát vọng đổi đời bằng chính sức lao động trên mảnh đất của mình. Với nhiều năm vất vã, lao động cật lực trồng rẫy, trồng cây ăn trái trên sườn dốc Núi Két đã hun đúc tinh thần cho anh Phí quyết tâm lập nghiệp nơi này.
 
 
Bốn năm trước anh còn vất vã gánh từng gánh nước từ chân núi lên sườn núi cả cây số để tưới cho 4 ha vườn nhãn tiêu da bò, giúp cây sống được qua mùa nắng do lượng nước mưa dự trữ lại trên núi không được nhiều. Nhờ chịu cực, chịu khó mà anh đã mua được thêm 1ha đất dưới chân núi Két. Cũng nhờ tích lũy nguồn thu nhập từ vườn nhãn trên sườn núi mà anh đã cất được căn nhà khang trang, lập mới vườn cây ăn trái gần 1ha dưới chân núi cạnh nhà kết hợp làm cây giống và hoa kiểng. Anh đã mạnh dạn đầu tư trên 100 triệu đồng để khoang giếng nước ngầm đảm bảo đủ nguồn nước tưới cho 1ha trồng Hồng quân, Thanh Long ruột đỏ, vườn ươm cây giống và hoa kiểng.

Truyền thống Thới Sơn Anh Hùng trong chiến tranh đã làm nên niềm tự hào để nhân dân có thêm ý chí và nghị lực vượt qua mọi khó khăn, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường để vươn lên nơi miền đất núi. Anh Nguyễn Thanh Phí là tấm gương tiêu biểu nông dân vùng Núi Két học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ về tinh thần vượt khó, là nông dân điển hình và đi đầu trong cách thức làm kinh tế vườn, chuyển đổi cây trồng phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao nơi miền núi.

Sáu năm liền, kể từ năm 2011 đến năm 2016, anh Cao Thanh Phí được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương. Hiện gia đình anh sở hữu 5 ha đất khu vực Núi Két, ấp Sơn Tây cùng với cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây ăn trái và hoa kiểng. Ước tính tổng thu nhập bình quân các năm của gia đình anh đạt khoảng 800 triệu đồng. Riêng 2 năm 2013 và 2014 gia đình anh đạt tổng thu nhập bình quân mỗi năm trên 1,1 tỷ đồng. Gia đình anh có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 lao động chính. Nếu tính bình quân các năm, mỗi thành viên trong gia đình có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Có thể nói, mô hình kinh tế vườn kết hợp sản xuất, kinh doanh giống cây ăn trái và hoa kiểng của gia đình anh là mô hình cho thu nhập khá cao ở vùng Núi Két – Thới Sơn, một vùng đất cằn cỗi toàn là cát và đá núi, không có nguồn nước tưới vào mùa khô hạn, trồng cây gì cũng nhờ vào trời mưa. Vậy mà anh Cao Thanh Phí vẫn chinh phục được xứ sở khắc nghiệt này. Anh đã biến đất cát và đá núi thành khu vườn cây trái sum xuê cho hiệu quả kinh tế cao không thua kém gì ở miệt vườn miền tây.

Riêng vườn hống quân dưới chân núi khoảng 4.000m2 với 400 gốc trồng từ giống chiết cành đã được 4 năm tuổi đang cho trái thời kỳ cao điểm. Bình quân mỗi cây cho sản lượng khoảng 80 - 100kg/vụ. Hiện vườn hồng quân của anh đang vào vụ thu hoạch rộ, ước tính cả vụ đạt năng suất khoảng 30 tấn trái. Theo giá các thương lái đến mua tại vườn năm nay, vào đầu vụ tháng 8 dương lịch từ 15-18.000đ/kg, vào giữa vụ thu hoạch rộ từ tháng 9 - 10 dương lịch có giá từ 10.000đ - 12.000đ/kg. Nếu tính cả vụ thu hoạch hồng quân mùa này, gia đình anh Phí đạt mức thu nhập sấp sỉ 500 triệu đồng.

Vườn Thanh Long 5.000m2 của gia đình anh cũng bước vào mùa đầu tiên cho trái. Khoảng 2-3 năm nữa là vào thời điểm cho năng suất cao. Còn vườn nhãn 4 ha trên sườn núi đã cằn cỗi, kém hiệu quả nên anh Phí đã chuyển đổi sang trồng cây Tầm vông để nhẹ công chăm sóc, có thời gian tập trung đầu tư cho 1ha vườn cây kết hợp sản xuất, kinh doanh giống cây ăn trái và hoa kiểng dưới chân núi. Hướng đi của anh là nhằm vào những loại cây chịu hạn và cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng đất núi. Anh Phí cho biết, anh đã lên kế hoạch phát triển kinh tế của gia đình với phương án chọn cây Hồng quân và cây Thanh long ruột đỏ làm chủ lực. Đây là hai giống cây vừa chịu hạn, vừa cho hiệu quả kinh tế cao ở vùng núi. Ngoài ra, anh còn tận dụng đất vườn làm thêm những loại cây giống chịu hạn, chủ lực là cây Hồng quân để bán cho bà con làm vườn quanh khu vực. Mỗi năm, anh sản xuất và cung ứng trên 10.000 cây giống các loại. Hiện tại, anh còn nhân giống thêm các loại hoa kiểng để bán thường xuyên kèm với cây giống và tranh thủ bán vụ tết.

                       Cây Hồng quân đang cho trái mùa thứ 3
“Mô hình kinh tế vườn và sản xuất, kinh doanh giống cây ăn trái và hoa kiểng của anh cao Thanh Phí, ấp Sơn Tây là mô hình nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao nhất ở xã Thới Sơn từ trước đến nay. Anh đã thành công từ cây nhãn tiêu da bò trồng trên sườn núi Két mà ít có người nào đủ sức theo đuổi loại cây trồng này nơi xứ núi. Còn bây giờ, anh Phí lại thành công hơn với hiệu quả kinh tế cao hơn từ cây Hồng quân trên đất núi. Còn vườn Thanh long ruột đỏ của anh Phí cũng đang chớm nở và hứa hẹn mùa bội thu trong mọt vài năm tới. Nói chung, anh Phí là một nông dân có nhiều kinh nghiệm trong phương thức làm vườn cũng như việc chuyển đổi cây trồng phù hợp nơi vùng núi. Hội Nông dân xã chọn mô hình của anh Phí để làm điểm cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm nhằm phổ biến nhân rộng trong toàn xã”, 
anh Phạm Hoàng Tịnh – Chủ tịch Hội Nông Dân  xã Thới Sơn nói.

Mô hình kinh tế vườn của Anh Co Thanh Phí ở ấp Sơn Tây, xã Thới Sơn đã mở ra nhiều điều hứa hẹn cho định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp ở vùng đất núi khu vực Núi Két nói riêng và huyện Tịnh Biên nói chung. Cây Hồng quân, cây Thanh long ruột đỏ và nhiều cây chịu hạn khác phù hợp với đất trồng đang được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngày càng có hiệu quả kinh tế trên vùng đất núi. Phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày càng phát huy có hiệu quả và lan tỏa rộng khắp vùng nông thôn huyện Tịnh Biên, có nhiều tấm gương tiêu biểu vượt khó, thoát nghèo, vươn lên khá, giàu được nhân rộng điển hình trong các tổ chức đoàn thể như: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên với những việc học theo Bác như: “Cần, Kiệm”, “Vượt khó”, “Nêu gương sáng”, “Đoàn kết”, “Sáng tạo”, “Tự lực, tự cường”v.v… Mỗi tấm gương, mỗi mô hình học tập và làm theo Gương Bác là động lực góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó cũng nhằm đẩy mạnh phong trào “Thi đua yêu nước”, tích cực tăng gia sản xuất để làm lợi cho gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, cùng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung tay xây dựng nông thôn mới./.

Bài, ảnh:  Hoàng Lê
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37143422