Truy cập hiện tại

Đang có 113 khách và không thành viên đang online

Hồ Chí Minh - hiện thân của tinh thần đổi mới

(TGAG)- Vào giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, Hồ Chí Minh với lòng yêu nước nồng nàn đã có chí căm thù quân xâm lược, giải phóng đồng bào. Người trăn trở về con đường cứu nước. Hết sức khâm phục các bậc cha chú như: Phan Bội Châu, Phan Châu Chinh, Hoàng Hoa Thám, nhưng Hồ Chí Minh không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Người tự quyết định con đường riêng của mình là đi sang phương Tây (Tây du), tới tận sào huyệt của kẻ xâm lược, khám phá, tìm hiểu thế giới, xem họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào.

Hồ Chí Minh là một nhà khoa học trước khi trở thành một nhà cách mạng. Và khi đã trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp, Hồ Chí Minh đã gắn kết một cách chặt chẽ chất khoa học và chất cách mạng, trở thành bậc thầy cách mạng - khoa học. Điều dễ dàng nhận thấy chất khoa học ở Hồ Chí Minh trước khi trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp là Người đã xem xét nguyên nhân thất bại của các phong trào cứu nước nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Người nhận thức được rằng vũ khí cứu nước của các bậc tiền bối là tư tưởng Nho giáo đã trở nên bất lực trước nhiệm vụ lịch sử. Tư tưởng tư sản đầu thế kỷ XX cũng trở nên lỗi thời, không thể đáp ứng được đòi hỏi của thời cuộc khi trên thế giới, với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (11-1917), giai cấp công nhân đã bước lên vũ đài chính trị, trở thành lực lượng trung tâm của thời đại mới. Người phát hiện ra rằng sự thất bại của các phong trào cứu nước không phải vì thiếu tinh thần yêu nước, thậm chí căm thù đế quốc, thiếu khát vọng độc lập dân tộc mà là vì thiếu một hệ tư tưởng tiên tiến dẫn đường. Các phong trào đó ở trong tình trạng khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước.

Đến với phương Tây, Hồ Chí Minh biết tới thắng lợi to lớn của các cuộc cách mạng tư sản Mỹ năm 1776, cách mạng tư sản Pháp năm 1789, nhưng theo Người đó là những cuộc cách mạng không đến nơi, không triệt để. Bởi vì thành quả của các cuộc cách mạng đó nằm trong tay một bọn ít người, còn đại đa số quần chúng nhân dân, những người làm nên thắng lợi lại không được hưởng những thành quả đó.

Đến với Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh coi đó là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi. Chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam, là cái cẩm nang thần kỳ cho người Việt Nam, là vũ khí tinh thần, tư tưởng không gì thay thế được. Hồ Chí Minh quyết định đưa cách mạng Việt Nam đi theo con đường Cách mạng tháng Mười Nga, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng nhận thức ra rằng chủ nghĩa Mác - Lênin cơ bản là bàn về những vấn đề của cách mạng ở châu Âu tư bản, đó chưa phải là toàn thể nhân loại. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng cách thêm vào đó những chất liệu của các nước thuộc địa mà Mác, Ăngghen và Lênin, do nhiều lý do khác nhau, chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu. Trước sau Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định, sở dĩ chúng ta đạt được những thắng lợi to lớn là vì biết vận dụng một cách sáng tạo lý luận Mác - Lênin vào tình hình thực tế của nước ta.

Năm 1986, nước ta bước vào thời kỳ ĐỔI MỚI. Dấu ấn đó của Đảng Cộng sản và cách mạng Việt Nam lại bắt nguồn từ tư duy Hồ Chí Minh. Đảng ta khẳng định: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tư duy đổi mới của Hồ Chí Minh xuất hiện ngay trong quá trình tìm con đường cứu nước, trước khi trở thành người cộng sản. Trong Yêu sách của nhân dân An Nam (1919), Hồ Chí Minh đề nghị “cải cách nền pháp lý ở Đông Dương”. Trong bài báo Đông Dương (5-1921), Người nhấn mạnh: “Người châu Á - tuy bị người phương Tây cho là lạc hậu - vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tai”. Người quan niệm “cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới”. Trong bài Dân vận (15-10-1949), Hồ Chí Minh khẳng định: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Ngay từ năm 1953, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả”. Hồ Chí Minh không chỉ thường trực tư duy đổi mới mà còn khẳng định “chẳng có việc gì là không thể đổi mới”. Người khuyến khích mọi người thực hiện đổi mới: “Đừng sợ cái mới quá. Cái gì mới thì lần đầu cũng lạ, nhưng sau rồi quen”. Người phê phán một số người “còn có tư tưởng bảo thủ không chịu tiếp thu dễ dàng cái hay, cái mới”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần đổi mới, chứa đựng nội dung của một cương lĩnh xây dựng đất nước sau khi kết thúc chiến tranh. Di chúc định hướng tương lai “xây dựng đất nước hơn mười ngày nay”. Muốn làm được điều đó, “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Người vạch ra kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh./.

___________
(Theo: Hồ Chí Minh Sáng tạo, đổi mới của PGS.TS Bùi Đình Phong, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh).

Quốc Dũng
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36705760