Truy cập hiện tại

Đang có 100 khách và không thành viên đang online

An Giang: ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng

(TGAG)- Qua kết quả đánh giá và thực tế diễn biến thời gian qua, thì biến đổi khí hậu đã có những ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh như: các diễn biến cực đoan của thời tiết thay đổi bất thường như hạn hán, dông lốc ngày càng phức tạp, tình trạng lũ lụt vào mùa mưa, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô, tình trạng xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền, nguy cơ cháy rừng... đã thường xuyên xuất hiện những năm gần đây làm tác động đến chất lượng sản xuất nông nghiệp, gây nhiều thiệt hại đến tài sản và tính mạng của người dân; tình hình sạt lở xảy ra thường xuyên và diễn biến phức tạp, tập trung ở các khu dân cư, đô thị, các tuyến giao thông huyết mạch gây thiệt hại lớn về tài sản. 

Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững trước những thách thức của tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỉnh An Giang đã và sẽ thực hiện các giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả trước tác động của biến đổi khí hậu như sau:

Thứ nhất, cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở phương pháp luận, xác định các giải pháp chủ yếu để ứng phó với biến đổi khí hậu: trong đó, tiếp tục cập nhật, lựa chọn, hoàn chỉnh các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cho các ngành, lĩnh vực và địa phương; xác định và công bố dự báo mức nước dâng, cao trình xây dựng, vùng nguy cơ ngập lụt, nguy cơ thiếu nước... công bố rộng rãi để người dân chủ động ứng phó, phòng tránh.  

Thứ hai, nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực: tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn xã hội về biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao; đầu tư trang thiết bị, phần mềm để quan trắc định kỳ, quan trắc tự động nhằm nâng chất công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, sự cố môi trường và giám sát biến đổi khí hậu.

Thứ ba, đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của ngập lụt, hạn hán, sạt lở bờ sông, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng như:

Tiến hành quy hoạch các công trình phòng tránh, giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh như: triển khai thực hiện các dự án bảo vệ cho ba khu đô thị lớn là: thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu trước tác động của biến đổi khí hậu. Xây dựng, nâng cấp các tuyến đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn; hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi trọng điểm; nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới hệ thống đê bao kiểm soát lũ nhằm bảo vệ khu dân cư, diện tích đất sản xuất nông nghiệp; quy hoạch, xây dựng các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh nhằm trữ nước phục vụ sinh hoạt đời sống và kiểm soát lũ núi. Đặc biệt chú trọng xử lý việc thiếu nước ở vùng cao huyện Tri Tôn, Tịnh Biên.

Nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật, mô hình sản xuất nông nghiệp thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai nhằm đảm bảo sản xuất ổn định, bền vững kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế: tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ quốc tế, bao gồm: tài chính, chuyển giao công nghệ thông qua các hoạt động hợp tác, tài trợ; xây dựng, hoàn thiện cơ chế hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế thực hiện các chương trình, dự án; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án Cơ chế phát triển sạch, các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường.

Thứ năm, lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương: xem xét tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng phó trong việc xây dựng, điều chỉnh và bổ sung vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển ngành và địa phương. Trong đó, đặc biệt chú trọng các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, hoặc các ngành có ảnh hưởng đến đời sống dân sinh như sản xuất nông nghiệp, phát triển và bảo vệ rừng, nuôi trồng thủy sản, sắp xếp dân cư, giao thông, thủy lợi, phát triển đô thị nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân, đảm bảo ổn định bền vững cho phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thứ sáu, xây dựng kế hoạch hành động của các ngành, địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu: các ngành, địa phương căn cứ Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng kế hoạch hành động chi tiết của mình và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trần Văn Hải
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37019619