Truy cập hiện tại

Đang có 311 khách và không thành viên đang online

Cần thực hiện tốt việc cưới, việc tang theo nếp sống mới

Trong số các sự kiện quan trọng diễn ra trong cuộc đời mỗi người, thì việc cưới, việc tang chính là các sự kiện quan trọng nhất, là cột mốc có ảnh hưởng to lớn không chỉ với từng cá thể mà nó còn tác động và chi phối sâu sắc tới đời sống, nhịp sống của cộng đồng và xã hội. Song hành suốt chiều dài phát triển và biến đổi của lịch sử, của văn hóa, việc cưới, việc tang đã tích tụ, hàm chứa trong mình thế giới quan, nhân sinh quan, được đúc kết, biểu hiện thành những tập tục, những truyền thống từ ngàn đời, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa riêng có của cộng đồng.


Trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng tới việc tổ chức lễ cưới, lễ tang trong cộng đồng theo nếp sống mới. Ngày 12/01/1998 Bộ Chính trị khóa VIII đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW “Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội”. Chỉ thị nhấn mạnh phải đặc biệt chú trọng tới quan tâm bảo tồn gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống nhân văn trong lễ cưới, lễ tang của mỗi cộng đồng, dân tộc. Song song đó, chủ động tuyên truyền vận động xóa bỏ những tồn tại hạn chế do ảnh hưởng từ những quan niệm, tập tục cổ xưa, lạc hậu, những thói quen không còn phù hợp trong xu thế phát triển chung của thời đại.


Qua hơn 16 năm triển khai thực hiện Chỉ thị trên địa bàn tỉnh, đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tình trạng tảo hôn trong hôn nhân đã không còn, những tập tục thách cưới, quan niệm lạc hậu về môn đăng hộ đối, tình trạng vướng mắc trong hôn nhân do khác biệt về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, vấn đề lấy chồng nước ngoài đã dần được khắc phục. Tình trạng tổ chức lễ tang cho người chết kéo dài ngày ảnh hưởng tới tâm lý cũng như mất vệ sinh, ảnh hưởng môi trường... đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương từ thành thị tới nông thôn đã tiến hành quy hoạch, thành lập các khu nghĩa trang nhân dân. Hình thức hỏa táng đã trở nên phổ biến ở một vài nơi, tất cả những đổi thay đó đã giúp cho việc tang trên địa bàn có thêm nhiều nét văn minh, tiến bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh còn đó nhiều vấn đề cần được quan tâm. Nhiều tập tục cũ kỹ, lạc hậu và cả những vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển, hội nhập mà chúng ta cần phải quan tâm, khắc phục, đó là: Tình trạng tổ chức tiệc cưới lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ách tắc giao thông, sử dụng âm thanh quá lớn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của những người xung quanh, không những không giảm mà có xu hướng gia tăng, gây bất bình trong dư luận. Tổ chức tiệc cưới phô trương tốn kém thậm chí mang màu sắc vụ lợi vẫn còn diễn ra, ăn uống linh đình, nhậu nhẹt say sưa dẫn tới nhiều hệ lụy cho xã hội. Việc chôn cất người chết trong khuôn viên nơi ở, trước cửa nhà còn phổ biến nhiều ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Tình trạng người có điều kiện, tìm mua đất, lập các phủ thờ của dòng tộc ngay trong khu thị tứ, khu đông dân cư, vấn đề rải vàng mã, đốt vàng mã… ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan, môi trường sống cũng như quy hoạch phát triển sau này của địa phương.


Vẫn biết trong quản lý văn hóa, quản lý những sự kiện trọng đại liên quan mật thiết tới cả đời người, liên quan tới tâm linh, tình cảm, tới truyền thống đã tồn tại trong cộng đồng nhiều đời là một việc vô cùng phức tạp và khó khăn. Tuy nhiên, để có thể giúp cho việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh từng bước đổi thay, loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, những xu hướng mới không phù hợp, nhất thiết cần phải có giải pháp cụ thể cho vấn đề này. Bên cạnh việc tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cụ thể hóa các tiêu chí thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn minh, lồng ghép trong tiêu chí gia đình văn hóa, khóm ấp văn hóa. Vận động, xây dựng mô hình mẫu đám cưới tập thể, đám cưới chỉ tổ chức tiệc ngọt để tiết giảm chi phí, nhất là trong đối tượng thanh niên nông thôn, công nhân các khu công nghiệp. Quan tâm đầu tư, vận động các nguồn lực xã hội đầu tư, hình thành các nghĩa trang nhân dân tại các địa bàn, các khu dân cư. Đầu tư xây dựng mô hình nhà tang lễ; trước mắt là các nhà tang lễ tại các khu đô thị trung tâm, giúp cho việc tổ chức lễ tang được tập trung và nề nếp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng hệ thống văn bản quản lý Nhà nước, từng bước lập lại trật tự trong việc cưới, việc tang theo nếp sống mới, văn minh hơn.


Cùng với cả nước, An Giang đã và đang triển khai rộng rãi việc học tập, quán triệt tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa. Quan tâm đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt việc cưới, việc tang trên địa bàn, chính là giải pháp, là nhiệm vụ quan trọng để cụ thể hóa Nghị quyết. Góp phần đưa Nghị quyết của Đảng “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đi vào cuộc sống.


Mạnh Hà

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37046321