Truy cập hiện tại

Đang có 156 khách và không thành viên đang online

Một số kết quả triển khai, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

(TGAG)- Nhận thức được tầm quan trọng của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (gọi tắt là Nghị quyết), 3 Nghị quyết đều là những vấn đề cốt yếu, đặc biệt quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm do Đại hội XII đã đề ra về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngay sau khi có Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 30-KH/TU ngày 28/6/2017 về việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII); xây dựng 3 Kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 44-HD/BTGTU ngày 06/7/2017 về tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của tỉnh, cấp ủy các cấp đã xây dựng kế hoạch và hướng dẫn học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết, chỉ đạo công tác tuyên truyền Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Xác định việc học tập, quán triệt Nghị quyết là khâu rất quan trọng, là điều kiện tiên quyết đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đồng chí bí thư, thường trực cấp ủy các cấp đã trực tiếp chỉ đạo việc học tập, quán triệt Nghị quyết. Hầu hết các hội nghị cán bộ chủ chốt cấp huyện và tương đương đã mở rộng thành phần đến thường vụ đảng ủy xã, phường, thị trấn, bí thư chi bộ, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, một số cán bộ lãnh đạo hưu trí trên địa bàn. Các lớp ở cơ sở đã mở rộng thành phần đến lực lượng cán bộ cốt cán, quần chúng ưu tú chưa là đảng viên. Đến hết tháng 10/2017, Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII với 776 lớp, 58.329/60.120 đảng viên dự học, đạt tỷ lệ 97%.

Qua đó cho thấy, các cấp ủy đảng xác định nội dung học tập, quán triệt phù hợp với từng đối tượng, thiết thực, hiệu quả. Báo cáo viên được lựa chọn theo yêu cầu về phẩm chất chính trị, nhiệt tình và kinh nghiệm trong triển khai Nghị quyết, quá trình triển khai, có phân tích, lý giải, làm rõ những nội dung cốt lõi, trọng tâm, những vấn đề lý luận và thực tiễn, liên hệ với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị, cơ sở và làm rõ hơn các giải pháp cụ thể.

Bước đầu, hầu hết cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc những điểm mới, quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trong các Nghị quyết. Nhận thức rõ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản trong đường lối phát triển kinh tế ở nước ta, một sáng tạo mới của Đảng ta về mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Hoàn thiện thể chế kinh tế phải đi đôi với đổi mới, hoàn thiện bộ máy tổ chức, cán bộ của toàn hệ thống chính trị; xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam...

Cùng với cơ chế, chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, đối phó với những biến động thị trường, kiềm chế lạm phát; đóng góp lớn trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước để doanh nghiệp nhà nước thực sự phát huy được vai trò, vị trí then chốt trong khu vực kinh tế nhà nước, là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội...

Kinh tế tư nhân “là một động lực quan trọng” để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu tất yếu, khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại...

Trên cơ sở nhận thức, mỗi cán bộ, đảng viên đã xác định rõ trách nhiệm cụ thể của cá nhân, với tinh thần quyết tâm, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm đề ra các công việc cụ thể gắn với nhiệm vụ chính trị được giao để góp phần thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Kế hoạch của Tỉnh ủy.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc học tập, quán triệt Nghị quyết còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm, như: Một số địa phương, đơn vị bị động trong xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết nên chưa đảm bảo tiến độ triển khai, quán triệt theo hướng dẫn của tỉnh; việc trao đổi, thảo luận, góp ý dự thảo kế hoạch hành động tại các hội nghị chưa nhiều, chưa sâu...

Để việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, các địa phương, đơn vị cần quan tâm tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện Nghị quyết và kế hoạch hành động của cấp ủy với quyết tâm chính trị cao để thực hiện đạt hiệu quả; sớm hoàn thành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết phù hợp với thực tế địa phương, đơn vị; xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết và kế hoạch hành động đảm bảo đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Lê Hoài Trường


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36716447