Truy cập hiện tại

Đang có 51 khách và không thành viên đang online

Ngành Công thương An Giang thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh

(TGAG)- Nhiệm kỳ 2011 - 2015 vừa qua, cùng với khó khăn chung của cả nước, kinh tế An Giang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất kinh doanh. Nhưng từ những định hướng chung của tỉnh và bằng sự nhạy bén, tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, ngành công thương đã tập trung khắc phục nhiều khó khăn, chủ động, tích cực phối hợp với các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp triển khai hiệu quả trên cả bốn lĩnh vực: đầu tư hạ tầng công nghiệp - thương mại, tăng cường hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại phát triển thị trường, phát triển kinh tế biên giới và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý thị trường... qua đó đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Mục tiêu trong giai đoạn 2016 -2020, ngành Công thương quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh, trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, tích cực, chủ động phối hợp với các ngành và địa phương thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại. Phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 45.461 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,0%/năm, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 6,10%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6.050 triệu USD, tốc độ tăng bình quân là 6,96%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 118.550 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 10%/năm.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động và đạt được chỉ tiêu đề ra, ngành Công Thương tập trung thực hiện những định hướng lớn sau:

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các quy hoạch, đề án của ngành đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, trọng tâm là thực hiện tốt Đề án xác lập khung chính sách, tiếp cận và xâm nhập thị trường cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đa dạng có lợi thế của doanh nghiệp và người dân An Giang vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước đến năm 2020 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/06/2012 của Tỉnh Ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2013 - 2020 và tầm nhìn đến 2030...

- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh (công nghiệp chế biến nông, thủy sản, thực phẩm và ngành cơ khí) theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm để đến năm 2020 công nghiệp tỉnh An Giang sẽ trở thành ngành kinh tế phát triển, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Từng bước hạn chế các dự án có công nghệ sản xuất gây nhiều ô nhiễm môi trường. Thí điểm mô hình cụm công nghiệp do nhà nước đầu tư hạ tầng (nhà kho, nhà xưởng...), cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh nghiệp di dời do khó khăn mặt bằng, di dời theo chủ trương bảo vệ môi trường... thuê lại để phát triển sản xuất, giảm gánh nặng đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp. Quan tâm xây dựng, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển 04 làng nghề có tiềm năng khai thác để trở thành điểm tham quan du lịch như: làng nghề dệt lụa Tân Châu; làng nghề dệt thổ cẩm Tân Châu; làng nghề dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo và làng nghề đường thốt nốt An Phú (huyện Tịnh Biên).

- Tập trung kêu gọi đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các chợ biên giới, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là hỗ trợ triển khai nhanh các dự án như: siêu thị Châu Đốc, Lotte - Long Xuyên, siêu thị Big C; dự án hạ tầng kỹ thuật Khu Thương mại - dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình, Vĩnh Xương, Xuân Tô...  Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển chợ địa bàn nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành chuyển đổi 50% số chợ sang mô hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, chuyển đổi 70% số chợ do UBND cấp xã quản lý sang đơn vị sự nghiệp có thu. Đồng thời, gắn chương trình phát triển đô thị và đô thị hóa đến năm 2020 tập trung đẩy mạnh phát triển thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc và thị xã Tân Châu trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ lớn của tỉnh.

- Phối hợp các ngành liên quan tập trung và làm tốt công tác thông tin, dự báo thị trường nhằm mục tiêu từng bước hướng hoạt động sản xuất theo tín hiệu của thị trường. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt nội dung các Hiệp định thương mại, thỏa thuận ưu đãi thuế quan... mà Việt Nam tham gia, hoặc ký kết với các nước để có những cảnh báo kịp thời các địa phương, doanh nghiệp đối với những lĩnh vực, mặt hàng chịu sự tác động và khuyến nghị những giải pháp nhằm giảm thiểu những thiệt hại cho nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

- Công tác xúc tiến thương mại, thị trường: giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng, đồng thời đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc chủ yếu vào một vài thị trường nhất định. Khai thác tốt thị trường nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và xâm nhập mạnh mẽ, hiệu quả thị trường nội địa đã khảo sát và đánh giá có lợi thế trong cả nước. Giữ vững thị trường Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Miền Trung và Tây Nguyên... Tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả và nghiên cứu thực hiện các mô hình mới trong sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng chủ lực của tỉnh như lúa, cá và rau màu. 

- Triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020 của Sở Công Thương nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng và thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chủng loại sản phẩm hàng hóa và dịch vụ phục vụ cho trẻ em, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, của các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

VÕ NGUYÊN NAM
TUV - Giám đốc Sở Công thương
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37015099