Truy cập hiện tại

Đang có 223 khách và không thành viên đang online

Mấy suy nghĩ về OCOP hiện nay

(TUAG)- Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

OCOP là gì?

OCOP (là từ viết tắt tiếng Anh One Commune One Product) có nghĩa là mô hình mỗi xã (phường) một sản phẩm. Đây là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của Nhật Bản”. Đến nay đã có hơn 40 nước làm theo và đã rất thành công góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn.

Thực tế cho thấy, nước ta đã và đang có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng đặc trưng ở các địa phương vốn dĩ là những tiềm năng đặc biệt lợi thế của các vùng miền nhưng chưa được phát huy, khai thác tạo nên bức tranh lãng phí đáng lo ngại, hệ lụy là sự kiềm hãm tốc độ phát triển kinh tế, giảm thu nhập cho người dân vùng nông thôn.


Sản phẩm OCOP khô cá lóc Kim Loan

Với mô hình OCOP, sự vào cuộc của Nhà nước thể hiện rõ thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách hợp lý, đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, tăng cường quảng bá, định hướng hình thành lên các kênh phân phối sản phẩm. Về phía người dân sẽ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình, cơ sở mình để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Có thể khẳng định: Chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quyết định sự thành công của mô hình OCOP hiện nay.

Những khó khăn đang đặt ra

Tuy nhiên, theo nhiều cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn thuộc OCOP thì việc giữ vững chất lượng đã khó thì việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm lại khó khăn hơn. Bên cạnh đó nguồn nguyên liệu chưa thật ổn định; lực lượng công nhân bất thường do việc làm từ các cơ sở chưa liên tục. Cùng với đó là nguồn vốn vay từ các ngân hàng tuy có nhưng chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra. Song song đó là việc tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước còn quá hạn hẹp, đa phần là các chủ cơ sở phải tự tìm nguồn đầu ra dẫn đến hệ lụy “lực bất tòng tâm”, thị trường khó được mở rộng bởi những kênh thông tin về sản phẩm không nhiều, không đa dạng, phạm vi quảng bá còn rất hạn chế.

Một số khó khăn khác đang đặt ra là đa phần sản phẩm OCOP của ta đều ở dạng thô, sản xuất thủ công, nhỏ lẽ, thương hiệu chưa có bề dầy thời gian, giá trị sản phẩm còn thấp. Một số cơ sở không đáp ứng nhu cầu đưa sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại qui mô lớn với 2 trở lực chính là số lượng hàng cung cấp quá ít và không đảm bảo có hàng một cách liên tục. Từ đó nên dù chất lượng cao nhưng rất nhiều sản phẩm đạt chuẩn đành chấp nhận phương án bán lẽ theo hình thức “tự sản xuất, tự tiêu thụ”.

Cùng với đó, một số địa phương đang lúng túng khi thực hiện mô hình bởi không nắm bắt được phải bắt đầu từ đâu, quá trình thực hiện như thế nào, thủ tục công nhận ra sao, sản phẩm đòi hỏi những yếu tố bắt buộc nào… trong khi chính quyền, cán bộ được phân công tư vấn mô hình chưa nắm bắt cụ thể các chỉ tiêu đề ra. Đó là chưa kể đến một số ít địa phương chưa thật “mặn mà” với mô hình nầy dẫn đến tình trạng lơ là, thiếu nhiệt tình, triển khai “ cầm chừng” mang tính đối phó.

Mới đây tại hội nghị tổng kết chương trình OCOP toàn quốc, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT thông tin: 3 năm qua, cả nước huy động trên 22.845 tỷ đồng cho chương trình nầy, một con số không hề nhỏ. Nhìn vào con số gần 4.470 sản phẩm đã được công nhận (từ 3 sao trở lên) đạt 186% kế hoạch đề ra khiến nhiều người không phải đắn đo. Chưa dừng lại ở đó, cả nước vẫn đang phấn đấu đạt 10.000 sản phẩm thuộc OCOP vào năm 2025.

Trước những còn số vừa nêu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu chương trình này cần thực chất, phải được phát triển trên cơ sở cung - cầu hợp lý gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng miền, không thực hiện theo phong trào; chú trọng việc liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; không xuê xoa, dễ dãi trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận các sản phẩm.

Nhiều sản phẩm đạt chuẩn thuộc OCOP là điều đáng phấn khởi nhưng để các sản phẩm trên được thương trường đón nhận, phát triển mạnh mẽ, bền vững, hiệu quả đó mới là vấn đề cốt lõi mà chương trình hướng đến. Xin đừng để các sản phẩm OCOP không phải “tự bơi” đi tìm lối ra.

Trương Thanh Liêm
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36705489