Truy cập hiện tại

Đang có 91 khách và không thành viên đang online

Cần nhiều giải pháp cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh An Giang

(TGAG)- Gắn kết “Cung - Cầu lao động” để giải quyết tốt việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương là vấn đề bức xúc luôn được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo các ngành, các cấp quan tâm thực hiện. Trong 05 năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, huy động nhiều nguồn lực tập trung phát triển dạy nghề, giải quyết việc làm.

 
Là tỉnh có dân số đông với gần 2,2 triệu người. Số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 60% so với tổng dân số, hằng năm có khoảng trên 20.000 người bước vào tuổi lao động. Lực lượng lao động ước đến cuối năm 2015 có khoảng 1.350 nghìn người, trong đó lao động nữ (có 648 nghìn người), chiếm 48% trong tổng số lực lượng lao động; lao động khu vực nông thôn (có 931 nghìn người), chiếm 69%. Giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 177 ngàn người, đạt kế hoạch được giao (104,6%). Qua đó đã góp phần kiềm chế, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4% và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên được nâng dần lên đạt khoảng 84%. Số lao động tham gia trong các ngành kinh tế quốc dân đến năm 2015 ước tính khoảng trên 1.210 nghìn người. Cuối năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 36%, năng suất lao động còn thấp.

Từ đó cho thấy, nguồn lao động của tỉnh rất dồi dào. Tuy nhiên, do chất lượng nguồn lao động còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn còn cao.

Bên cạnh những mặt đã làm được, công tác giải quyết việc làm, rút ngắn chênh lệch giữa “Cung - Cầu lao động” vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại:

Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu công nhân lành nghề, lao động nông thôn đa số chưa qua đào tạo, năng suất lao động thấp. Công tác giải quyết việc làm trong tỉnh gặp không ít khó khăn.

Số lao động làm việc ngoài tỉnh phần nhiều là lao động phổ thông, có việc làm nhưng thu nhập không cao, không ổn định; người lao động đi tự phát, tự tìm việc làm.

Các khu Công nghiệp trong tỉnh chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư; ngành nghề mới ở các địa phương chậm phát triển. Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông cho nên đã thu hút nhiều lao động đi làm ngay không cần phải qua đào tạo nghề, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động.

Cơ chế quản lý nhà nước về lao động - việc làm ở địa phương chưa hình thành, thông tin về lao động - việc làm rất hạn chế.

Những năm tới, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn không ít khó khăn thách thức. Tình trạng việc làm, trình độ dân trí và chất lượng nguồn lao động còn hạn chế; quan hệ lao động chưa thật sự ổn định; đảm bảo an sinh xã hội còn nhiều vấn đề bức xúc; phân hóa giàu nghèo diễn ra ngày càng sâu sắc... Để công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao tỷ lệ người lao động đi làm việc ở những thị trường lao động chất lượng cao cần thực hiện những giải pháp về cung - cầu lao động như sau:

Đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh, nhằm tạo mở thêm nhiều việc làm. Có chính sách hỗ trợ, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề để tạo việc làm cho nhiều lao động.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội. Tăng cường và phát huy năng lực hoạt động của các Trung tâm giới thiệu việc làm, Trung tâm dạy nghề, gắn công tác dạy nghề với tư vấn giới thiệu và cung ứng lao động cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, ưu tiên số lao động bị mất việc làm, thiếu việc làm.

Khảo sát cung - cầu lao động; mở rộng quan hệ với doanh nghiệp, nắm thông tin về thị trường lao động làm căn cứ xây dựng kế hoạch việc làm, thường xuyên tổ chức các điểm tư vấn về việc làm, thông tin thị trường lao động đến cơ sở, người lao động. Mỗi huyện tư vấn, giới thiệu, cung ứng lao động cho ít nhất 05 doanh nghiệp/năm để giải quyết việc làm cho lao động địa phương mình.

Kết nối mạnh cung - cầu lao động thông qua hoạt động trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm. Vì vậy, cần mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các phiên giao dịch việc làm; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động, doanh nghiệp tiếp cận được người lao động và các cơ sở đào tạo.

Mở rộng thị trường lao động ở nước ngoài, nhất là thị trường có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt. Chọn công ty có uy tín, đơn đặt hàng tốt để cung ứng lao động đi làm việc ngoài nước đạt chất lượng và hiệu quả.

Tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về việc làm, trong đó có chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ngoài tỉnh, ngoài nước. Các địa phương chủ động phối hợp với các Trung tâm có chức năng giới thiệu việc làm; các Trường, Trung tâm Dạy nghề trên địa bàn tỉnh chuẩn bị nguồn lao động, làm tốt công tác giáo dục định hướng, dạy nghề cho người lao động trước khi đi làm việc ngoài tỉnh, ngoài nước.

Trước tình hình hội nhập, kinh tế phát triển theo hướng tích cực, việc làm sẽ tăng trưởng; vấn đề lao động - việc làm sẽ dịch chuyển từ thị trường thừa sang thị trường thiếu. Nhu cầu lao động ngày càng tăng, Vì vậy, tăng cường chức năng quản lý nhà nước về lao động - việc làm, xây dựng đội ngũ cán bộ lao động - việc làm phải đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và yêu cầu công việc.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác quản lý thu thập cung - cầu lao động.

Sở LD -TB & XH


(*) Trích tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36719005