Truy cập hiện tại

Đang có 205 khách và không thành viên đang online

Thế và lực của đất nước ngày càng được nâng cao!

(TGAG)- Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập sâu rộng, thế và lực của đất nước đã được nâng lên. Năm 2018, GDP tăng 7,08%, đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 4%, dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục 63,5 tỷ USD; vốn FDI đạt 18 tỷ USD, cũng là mức cao chưa từng có; quy mô nền kinh tế đạt 245 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt 2.580 USD, tăng hơn 200 USD so với năm 2017; xuất khẩu đạt 244,72 tỷ USD, xuất siêu đạt kỷ lục 7,2 tỷ USD …


Việt Nam cùng 10 quốc gia thành viên đã ký Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định đã chính thức có hiệu lực sau khi chúng ta  cùng 6 thành viên thông qua. Nó là Thỏa thuận thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên đi vào thực tế. Nó sẽ tạo cơ hội lớn cho nền kinh tế nước ta hội nhập vào một khu vực tự do thương mại với thị trường lên tới 500 triệu dân, với GDP khoảng 10.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu, 15% thương mại toàn cầu.

Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo các nước và hơn 1.200 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hàng đầu thế giới và nhiều sự kiện hợp tác lớn của khu vực. Ông Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành WEF đã khẳng định: “Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam là hội nghị thành công nhất trong 27 năm tổ chức WEF ASEAN”. Một làn sóng đầu tư mới đang chuyển động: Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 5 tháng đầu năm 2019 đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so cùng kỳ năm 2018. Đây là kỷ lục mới về thu hút FDI trong 5 tháng trong bốn năm gần đây. Điều đáng chú ‎ là vốn đầu tư tăng ở cả ba hợp phần; trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt 6,46 tỷ USD, tăng 38,7% so cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký tăng thêm đạt 2,63 tỷ USD, tăng 5,5%. Riêng hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng gấp 2,8 lần so cùng kỳ năm trước và chiếm 45,7% tổng vốn đăng ký từ đầu năm đến nay (có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị 7,65 tỷ USD).

Vị thế và uy tín của đất nước càng được khẳng định mạnh mẽ hơn khi Khóa họp thứ 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) với số phiếu kỷ lục (192/193). Đây là sự ghi nhận quan trọng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực. Kết quả này là một vinh dự lớn lao, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Hội đồng Bảo an là tổ chức có vai trò hết sức quan trọng. Các thành viên Liên hợp quốc đều mong muốn có thể ứng cử để trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an nhưng không phải nước nào cũng có thể ứng cử và trúng cử.
Với vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn không chỉ trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của LHQ mà còn trong xử lý những vấn đề chính trị ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có vấn đề chủ quyền biển, đảo và đường hàng không, hàng hải quốc tế qua Biển Đông. Vị trí này còn giúp Việt Nam thực hiện vai trò Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có vai trò hết sức quan trọng trong những vấn đề toàn cầu, đặc biệt là vấn đề hòa bình, an ninh. Do đó, những đóng góp của Việt Nam sẽ dựa trên cơ sở những chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an. Ưu tiên của Việt Nam là tăng cường hơn nữa vai trò của chủ nghĩa đa phương, mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết những vấn đề toàn cầu, vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh. Đó là mục đích cao nhất mà Việt Nam mong muốn đóng góp vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Là Ủy viên không thường trực HĐBA, chúng ta có điều kiện nâng cao hơn nữa vị thế của đất nước trên chính trường quốc tế ./.

Sự thật
-------------
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36723608