Truy cập hiện tại

Đang có 122 khách và không thành viên đang online

Thanh niên Tân Châu bỏ phố về quê khởi nghiệp từ nông nghiệp

(TGAG)- Trở về từ chương trình hợp tác đào tạo và thực hành nông nghiệp tại Isreal, thanh niên Hồ Thanh Tuấn, 26 tuổi, ở xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương, với mong muốn đổi màu bức tranh nông nghiệp vùng biên giới.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, Đại học An Giang vào năm 2015, thanh niên Hồ Thanh Tuấn tham gia vào chương trình đào tạo và thực hành nông nghiệp tại Israel do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp Nhà nước Israel tổ chức. Sau khi trở về nước vào năm 2016, Tuấn được nhận vào làm việc tại khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Củ Chi - thành phố Hồ Chí Minh. Có kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, lại được tiếp cận mô hình dưa lưới tiên tiến ở Israel, con đường việc làm của Tuấn có rất nhiều điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, Hồ Thanh Tuấn đã quyết định rời bỏ công việc ở thành phố để về quê hương Tân Châu, đem kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, cùng hạt giống dưa lưới để gieo trồng trên mảnh đất đầu nguồn sông Tiền.


Hầu hết mọi người đều bất ngờ với việc Tuấn rời bỏ thành phố để về quê làm nông nghiệp, bởi trong tiềm thức của nhiều người dân quê anh, ruộng đồng, vườn cây không dành cho người đã tốn nhiều tiền bạc để có tấm bằng đại học. “Lúc mà mới về thì cũng nhiều người nói lắm, bạn bè rồi gia đình cũng nói nữa. Gia đình nói là sao ngành gì mầy không học mầy học ngành nông sao cực quá con, con làm không có tiền nữa mà về đây con đầu tư lớn quá”. Tuy nhiên, với quyết tâm của tuổi trẻ, sau hơn 01 tháng miệt mài, những dây dưa lưới đã bắt đầu nở hoa là minh chứng cho sự thành công từ việc dám nghĩ, dám làm của Tuấn.

Trở về quê hương để thực hiện dư án khởi nghiệp, Tuấn đã được Hội nông dân xã hỗ trợ tìm diện tích đất phù hợp để làm mô hình nhà màng trồng dưa lưới. Đoàn thanh niên xã Vĩnh Xương hỗ trợ Tuấn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Dự án dưa lưới công nghệ cao của Hồ Thanh Tuấn cũng đã được UBND thị xã Tân Châu xét duyệt hỗ trợ 30% kinh phí từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh và sẽ sớm giải ngân trong thời gian tới. Với sự ủng hộ của chính quyền địa phương và gia đình, Hồ Thanh Tuấn xây dựng nhà màng diện tích 1000m2, xây dựng bể lọc nước, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel với chi phí gần 300 triệu đồng. Tuấn còn sử dụng ong để thụ phấn cho dưa lưới theo cách tự nhiên, thay vì làm thủ công. Hiện tại, Tuấn cũng đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm dưa lưới của mình với một hợp tác xã ở Bình Dương.

Thực tế, trong phong trào lập thân lập nghiệp mà Chính phủ đang khuyến khích hiện nay, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được giới trẻ quan tâm nhiều nhất. Ưu điểm lớn nhất của người trẻ đó là nhiệt huyết, kiến thức và sức trẻ. Với khả năng tiếp cận thị trường, sự nhạy bén trong tư duy kinh doanh, thanh niên tốt nghiệp các trường đại học lớn đã nỗ lực tìm tòi vượt khó, mạnh dạn đầu tư vào các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Thị xã Tân Châu với lợi thế đầu nguồn sông Tiền, nguồn nước dồi dào, đất đai màu mỡ, lại ít bị ảnh hưởng bởi mưa, bão. Đó là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. “Em mong muốn các bạn trẻ khởi nghiệp, đặc biệt là vấn đề về khởi nghiệp từ nông nghiệp thì nên thử. Tại vì An Giang cũng như Tân Châu mình thì chuyên về nông nghiệp, mấy bạn nên khởi nghiệp về nông nghiệp để giúp cho bà con có điều kiện tham quan, học hỏi một cái mô hình mới” - Hồ Thanh Tuấn chia sẻ.

Ngọc Thạnh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37143213