Truy cập hiện tại

Đang có 144 khách và không thành viên đang online

Sử dụng thuốc lá - mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia

(TGAG)- "Sử dụng thuốc lá - mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia" thông điệp cho Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25 đến 31/5.
 
 

“Trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân đối với công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Truyền thông là phương pháp hữu hiệu nhất, có thể nói, đây là công việc thầm lặng đòi hỏi thời gian lâu dài và tính bền bỉ nhưng sẽ cho kết quả bền vững khi đạt được. Chính truyền thông cộng đồng chứ không ai khác sẽ giúp người dân nhanh chóng tiếp nhận được thông tin, có kiến thức về sức khỏe, thực hiện các hành vi có lợi bảo vệ và nâng cao sức khỏe trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá hiện nay”.

Hưởng ứng ngày “Thế giới không thuốc lá” 31/5, hòa chung không khí của tháng 5 lịch sử, toàn thể người dân Việt Nam quyết tâm xây dựng một môi trường sống trong sạch, từng bước hạn chế tiến tới loại bỏ hoàn toàn khói thuốc ra khỏi đời sống xã hội, nâng cao sức khỏe của người dân.

Trong khói thuốc lá có chứa 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư, 40.000 mạng người 'bay' theo khói thuốc mỗi năm, làm mất 1,4% rừng, gây 10% số vụ cháy,... là những con số gây sốc về thuốc lá.

Nếu các biện pháp kiểm soát thuốc lá không được áp dụng kịp thời thì số người chết vì thuốc lá sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
Nhắc đến thuốc lá - một nỗi sợ dường như đang hiện hữu ngày càng gần, ngày càng nguy hiểm xung quanh cuộc sống của chúng ta. Thế mà hằng ngày, hằng giờ vẫn có khoảng 15 triệu người Việt Nam vô tư “phì phèo” điếu thuốc. Việc cảnh báo, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá dường như chỉ “đàn gảy tai trâu”, bởi khói thuốc lá không gây ra tác hại trực tiếp, tức thời như tai nạn giao thông hay căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Nó âm thầm xâm nhập và tồn tại, ăn dần ăn mòn có thể chúng ta và cuối cùng là hậu quả bệnh tật phũ phàng. Lúc đó, người bệnh hối hận cũng không còn cơ hội.
Nguy cơ lớn nhất khi sử dụng thuốc lá là ung thư phổi, tiếp đến là hàng trăm tác hại khác như: Tai biến mạch máu não, sảy thai, liệt dương vì hút thuốc lá; khói thuốc lá còn gây ung thư môi, ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư bàng quang và thận, ung thư cổ tử cung… Thuốc lá còn gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế gia đình.

Theo Tổ chức Y tế thế giới thì cứ mỗi điếu thuốc lá có khoảng 7000 chất độc hóa học, đặc biệt nó chứa 18mg nhựa (hay còn gọi là hắc ín), và hơn 70 chất có thể gây ung thư như  axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)…
Đáng buồn hơn, hiện nay có rất nhiều người không hút thuốc lá nhưng lại thường xuyên rơi vào tình trạng phải “hút thuốc lá thụ động” - nguy hiểm không kém gì so với người trực tiếp hút thuốc. Những đứa trẻ, những phụ nữ mang thai… đang hàng ngày, hàng giờ là nạn nhân của thuốc lá khi họ có người thân, bạn bè thường xuyên hút thuốc. Theo thống kê những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc thì nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, phụ nữ có thể gia tăng nguy cơ ung thư vú nếu hít phải khói thuốc lá…

Ước tính mỗi năm người dân Việt Nam đã bỏ ra khoảng 14 nghìn tỷ đồng chỉ để mua thuốc. Và chi phí chỉ để chữa 3 loại bệnh chính gây ra bởi thuốc lá là hơn 2 nghìn tỷ. Tổng số tiền này (hơn 16 ngàn tỷ) gấp hơn 16 lần tổng đầu tư hàng năm của Ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã và đang vào cuộc quyết liệt để góp phần hạn chế số lượng người hút thuốc, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Trên cơ sở những biện pháp như ban hành Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, đẩy mạnh thực hiện Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá…, số người hút thuốc được giảm dần, nạn buôn bán trái phép thuốc lá từng bước được ngăn chặn.

Có thể nói không có sản phẩm tiêu dùng nào giết chết nhiều người và chết một cách vô ích như thuốc lá. Hút thuốc lá chính là “bỏ tiền mua bệnh vào người”. Bởi vậy, hướng tới ngày “Thế giới không thuốc lá”, để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân, bạn bè, mỗi chúng ta hãy tự nêu cao tinh thần quyết tâm không sử dụng thuốc lá, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển thuốc lá trái phép vì một đất nước Việt Nam ngày càng khỏe mạnh, giàu đẹp, văn minh./.

P.TTCTTG

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37055717