Truy cập hiện tại

Đang có 377 khách và không thành viên đang online

Người khuyết tật cần lắm sự sẻ chia và tôn trọng

(TGAG)- Mỗi con người, khi sinh ra và trưởng thành ai cũng mong muốn mình được khỏe mạnh và có một tương lai tươi sáng, nhưng không phải người nào cũng có được sự may mắn ấy. Có nhiều người khi sinh ra đã không thể đi, không thể nói hay không thể nhìn thấy được, họ là những người khuyết tật, là một bộ phận yếu thế của xã hội. Và với những người thiệt thòi như vậy, họ rất cần sự tôn trọng, cảm thông, sẻ chia, sự giúp đỡ của cộng đồng để có thể hòa nhập với cuộc sống hằng ngày.
 

Phó Thủ tướng – Vũ Đức Đam đã từng có phát biểu rất hay để ta có thể hình dung về cuộc sống của người khuyết tật trong buổi lễ ra mắt Ủy ban quốc gia về người khuyết tật, ngày 18-01-2016 như sau: “Họ được gọi là người khuyết tật. Họ có thể có cơ thể không lành lặn nhưng có tâm hồn cao đẹp mà không ít người dù cơ thể lành lặn lại không có được.  Họ là những người đặc biệt, những người rất đáng khâm phục, đáng được trân trọng. Họ tuyệt nhiên không cần những người khác thương hại. Họ cần sự tôn trọng, sẻ chia, tạo điều kiện để cùng nhau làm cuộc sống này có ý nghĩa hơn”.

Có thể nói ngày nay sự phân biệt đối xử với người khuyết tật đã dần giảm đi, họ được tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, được thể hiện tài năng của mình, được xã hội sẻ chia, đồng cảm… đó là những dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên vẫn còn có trường hợp người khuyết tật bị kỳ thị đối xử, hay vẫn được mọi người cảm thông, chia sẻ nhưng là kiểu cảm thông và sẻ chia theo lối hiếu kỳ, tò mò.

Người khuyết tật không cần sự ngưỡng mộ, thán phục, hay sự cảm thông theo lối hiếu kỳ, cái mà họ cần từ mọi người là thái độ bình thường, một sự cảm thông, chia sẻ thật sự, tất cả những điều đó sẽ là món quà vô giá đối với họ, họ sẽ thấy rằng xã hội đang có cái nhìn thay đổi đối với họ, công nhận họ là một thành viên bình thường như mọi thành viên khác trong xã hội.

Họ cần những đôi tay đưa ra thật sự để họ bám chắc vào chứ không phải là những lời nói suông, những cái nhìn tỏ ra thương cảm, tội nghiệp. Nghị lực sống luôn tiềm tàng trong mỗi người và đối với người khuyết tật thì điều ấy càng quan trọng hơn, cái nghị lực ấy sẽ được thổi bùng hơn khi có sự đồng cảm, sẻ chia chân thành của mọi người. Xin đừng chỉ nói "Tôi rất thương bạn" mà hãy hành động để chứng tỏ cho tình thương ấy là chân thành, là thật sự. Từ đó tiếp sức cho những người khuyết tật vượt qua được sự tự ti, suy nghĩ an phận, thậm chí buông xuôi; và biến sự thiếu tôn trọng, phân biệt, thương hại của một số những người thành sức mạnh, thêm nỗ lực khẳng định mình.

Trong cuộc sống đôi khi ai cũng cần sự giúp đỡ của những người xung quanh, nhưng giúp sao để họ cảm thấy được tôn trọng, được an toàn, nhất là những người khuyết tật - sự tự tôn cao và cảm giác an toàn đối với họ là điều quan trọng. Mỗi dạng khuyết tật đều cần sự giúp đỡ khác nhau, vì vậy khi muốn giúp người khuyết tật ở dạng nào thì người giúp nên chủ động hỏi nhu cầu của chính họ. Đôi khi người giúp rất có thiện chí nhưng lại vô tình hoặc chưa hiểu về người khuyết tật nên khi giúp đỡ lại làm cho người khuyết tật cảm thấy mặc cảm hoặc thậm chí là thấy bị xúc phạm.

Và không phải người khuyết tật nào cũng cần đến sự giúp đỡ về vật chất, họ có thể tự mình vươn lên, sống, học tập và làm việc như những người khác và thậm chí hơn những người không khuyết tật. Chính vì vậy, khi muốn giúp đỡ hay trao tặng đến người khuyết tật thì người trao tặng - giúp đỡ nên cần biết phải giúp như thế nào để người khuyết tật cảm thấy được tôn trọng và người giúp thấy mình làm việc có ích.

Mong rằng cộng đồng hãy cùng chung tay giúp sức, bằng cách này hay cách khác, để tạo cho những người khuyết tật phát huy những khả năng của mình, thêm tự tin, nghị lực, cố gắng vươn lên và thêm yêu cuộc sống./
                                                                       
Hải Lam


Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36727584