Truy cập hiện tại

Đang có 55 khách và không thành viên đang online

Những giá trị cốt lõi của Tuyên ngôn độc lập vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

(TGAG)- Trong khoảng thời gian rất gấp, chỉ vỏn vẹn 3 ngày, từ ngày 28 đến 30/8, bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị với khoảng trên 1.100 từ, nhưng ý nghĩa hết sức to lớn và mang giá trị thời đại. Bằng trí tuệ, sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một mệnh đề không thể phủ phận về độc lập của mọi dân tộc, đó là:

Quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người, và ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Trong đó Người khẳng định dân tộc Việt Nam, Nhân dân Việt Nam có quyền hưởng độc lập, tự do, và Việt Nam thực sự đã trở thành nước độc lập, người dân Việt Nam trở thành người dân tự làm chủ vận mệnh của mình; toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tính mạng và của cải để bảo vệ quyền độc lập, tự do.

71 năm qua, lịch sử ngày càng chứng minh “thiên cổ hùng văn” thời hiện đại của dân tộc ta, dưới đây có thể nêu một số bài học kinh nghiệm:

- Hồ Chí Minh đã quyết định đúng đắn và kịp thời về sự cần thiết phải có Tuyên ngôn độc lập để hợp hiến trong nước và quốc tế về quyền độc lập, tự do của dân tộc và đồng bào ta.

Với tầm nhìn xa trông rộng của một lãnh tụ thiên tài, Người cho rằng, lúc này bàn cờ thế cuộc đã bắt đầu thay đổi. Dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp đã quá rõ ràng. Cho dù Cách mạng Tháng tám đã thành công, nhưng trong tầm mắt của các nước Đồng minh thì Việt Nam vẫn thuộc quyền cai trị của Thực dân Pháp (theo thỏa thuận tại Hội nghị Pốt xđam), do đó, trên phương diện luật pháp quốc tế thì chính quyền cách mạng phải có được một Tuyên ngôn độc lập, với sự ủng hộ của toàn dân, tiếp đó sẽ phải bầu cử Quốc hội để người dân bầu cử dân chủ. Những việc làm đó một khâu trong quá trình diễn tiến của Cách mạng giải phóng dân tộc, phù hợp với thực tế lịch sử của Việt Nam lúc bấy giờ. Hồ Chí Minh là kiến trúc sư cho ý tưởng cách mạng đó, đồng thời Người cũng trực tiếp kiến tạo nên công trình bất hủ đó.

- Tuyên ngôn thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí sắt đá của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng bảo vệ những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Sau khi viện dẫn những minh chứng không thể chối cãi được về việc Thực dân Pháp đã hèn nhát khuất phục và trao quyền thống trị Việt Nam cho phát xít Nhật, rằng trước Tổng khởi nghĩa thì Thực dân Pháp không còn vị thế là kẻ thống trị Nhân dân Việt Nam, đồng thời ngay cả phát xít Nhật cũng đã đầu hàng quân đội Đồng minh, buộc phải hạ vũ khí trước sức mạnh như triều dâng thác đổ của đồng bào ta; Hồ Chí Minh đã khẳng định Nhân dân Việt Nam không dựa vào bất kỳ thế lực nào (kể cả Đồng minh) mà đã tự mình đủ sức mạnh của chàng “Phù đổng”, quét sạch quân xâm lăng, tự lập Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là tiền đề chính trị để Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh truyền thống lịch sử kết hợp với sức mạnh đương đại của dân tộc Việt Nam là trường thành, lũy chiến đánh bại bất kể kẻ xâm lược nào.

Từ hai trong số rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báo của Tuyên ngôn độc lập, trong 71 năm qua dân tộc ta đã đi những bước đi chiến lược xứng tầm nhìn của một vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.

Độc lập dân tộc hiện nay không chỉ xác định trong biên giới quốc gia, mà còn thể hiện thông qua vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trong việc hợp tác giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu và đấu tranh, bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc bên ngoài biên giới lãnh thổ (biên giới mềm). Do đó, Đảng ta đã đổi mới mãnh mẽ tư duy đối ngoại với phương châm “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”.

Từ ngày lập quốc đến nay, tôn trọng và bảo vệ quyền con người luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thực hiện, thể hiện nhất quá trong từng chủ trương và chính sách phát triển; mỗi bước phát triển về chính trị, kinh tế - xã hội đều gắn với việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Chúng ta đã tham gia đầy đủ vào các cơ chế bảo vệ nhân quyền của Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế như: Tham gia ký Công ước quốc tế về Quyền trẻ em; Công ước quốc tế về Chống tra tấn; chăm sóc bảo vệ người cao tuổi; tham gia tích cực các hoạt động chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường sinh thái, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc... Bước vào thời kỳ đổi mới, trong các văn kiện, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của Nhân dân.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta chủ trương chọn lọc, kế thừa các giá trị của nền văn minh nhân loại, trong đó có kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, dân chủ và quyền con người, trên cơ sở nguyên tắc: Kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của Nhân dân. Việt Nam không chấp nhận mô hình dân chủ, nhân quyền của phương Tây, không sao chép mô hình “dân chủ” do nước khác áp đặt, không “đa nguyên, đa đảng” như các nước tư bản chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền để chống phá cách mạng Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định một cách đanh thép rằng: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Điều đó không chỉ khẳng định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân Việt Nam đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc mà còn là lời hiệu triệu, kêu gọi, cổ vũ, động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước quyết tâm chiến đấu giành tự do, độc lập cho dân tộc. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ góp phần tiếp tục những giá trị cốt lõi của Tuyên ngôn độc lập trong đời sống hiện thực của đất nước ta./.

P.TTCTTG
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37123366