Truy cập hiện tại

Đang có 52 khách và không thành viên đang online

Gia đình Việt Nam - Cái nôi của sự phát triển

(TGAG)- Khi nói về gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách… được hình thành, phát triển và giữ gìn, vun đắp, phát huy trong mỗi gia đình Việt Nam”.

Dân tộc Việt Nam được hình thành, phát triển mà trong đó lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, cần cù, sáng tạo, kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, gia đình Việt Nam đã phát huy truyền thống tốt đẹp, đóng góp sức người sức của, cùng cả nước tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ. Trải qua các thời kỳ lịch sử, quan hệ gia đình ngày một được củng cố và hoàn thiện, góp phần thúc đẩy việc hình thành và từng bước hoàn thiện quyền dân chủ trong quan hệ gia đình Việt Nam.

Trong giai đoạn hội nhập và phát triển, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác gia đình, đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện tốt công tác gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố và phát triển gia đình Việt Nam như: Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị định số 02 của Chính phủ quy định về công tác gia đình; “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”... Ngoài ra, các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể đã triển khai nhiều chương trình phối hợp nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Kể từ năm 2001, ngày 28-6 hằng năm, được Chính phủ chọn làm Ngày gia đình Việt Nam, là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam; là ngày để mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, là dịp để những cặp vợ chồng hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Việc tổ chức Ngày Gia đình Việt Nam nhằm giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng gia đình no ấm, hướng tới sự phát triển bền vững. Đây là dịp đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình, góp phần ổn định, củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con, no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc.

Sự giao lưu, hội nhập đã đem đến cho các thế hệ gia đình Việt Nam nhiều cơ hội tiếp cận những kiến thức, giá trị văn hóa của các dân tộc khác, các nền văn minh trên thế giới, cũng như kỹ năng tổ chức cuộc sống trong xã hội hiện đại. Bên cạnh những mặt tích cực đó, mặt trái của cơ chế thị trường, của xã hội hiện đại nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, tác động lớn đến đời sống gia đình, thành viên trong gia đình. Và ở một góc độ nào đó nó đã phá vỡ nề nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam.

Hiện nay, mô hình gia đình đang có sự biến đổi mạnh mẽ, chịu sự giằng xé của cơn lốc hội nhập, sự thâm nhập ồ ạt của các giá trị từ bên ngoài. Bạo lực gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, trẻ em lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng phát triển. Tệ nạn ma tuý, cờ bạc, rượu chè, mại dâm đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mô hình gia đình truyền thống tam-tứ-đại đồng đường giảm mạnh, thay vào đó là gia đình hạt nhân hai thế hệ cùng chung sống. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam đang có biểu hiện xuống cấp, mai một; con người hiện đại giờ quay cuồng làm kinh tế, hưởng thụ lợi ích cá nhân, khiến người ta quên mất giá trị gia đình truyền thống. Các mối quan hệ trong gia đình như vợ chồng, cha mẹ-con cái, ông bà-con cháu… lỏng lẻo, tình cảm bị xao nhãng, chi phối; sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống, việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đặt ra những thách thức mới.

Đứng trước những thử thách to lớn đó nếu chúng ta không quan tâm củng cố, ổn định và xây dựng gia đình thì những khó khăn, thách thức đó sẽ tiếp tục làm suy yếu gia đình. Vì vậy, một mặt cần tiếp tục xem trọng việc xây dựng gia đình và gia đình văn hoá; mặt khác cần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; đề cao trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng nhân cách cho mỗi thành viên trong gia đình với những phẩm chất cao quý, tốt đẹp.

Trong giai đoạn ngày nay, việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tiếp thu những giá trị văn hóa hiện đại là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với mỗi gia đình và toàn xã hội. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng gia đình phải phát triển bền vững. Thông qua giáo dục gia đình, thế hệ trẻ được tiếp thu những tinh hoa văn hóa tiên tiến, hình thành nhân cách, lối sống, ứng xử tốt đẹp phù hợp với các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc./.

Hà Khang
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37050285