Truy cập hiện tại

Đang có 226 khách và không thành viên đang online

CON ĐƯỜNG DUY NHẤT ĐÚNG!

(TGAG)- Trong lúc các phong trào đấu tranh chống Pháp thất bại, Cụ Phan Bội Châu ngưỡng mộ một nước Nhật Bản đồng chủng, đồng văn, cường thịnh, đang vững tiến. Cụ phát động cuộc đấu tranh giành độc lập bằng phương pháp bạo động vũ trang. Cụ Phan Châu Trinh thì cũng muốn có độc lập, xây dựng chế độ đại nghị tư sản, nhưng với phương pháp “bất bạo động”, “bạo động tắc tử”. Kết quả: bạo động vũ trang hay ôn hòa, bất bạo động đều bị thẳng tay đàn áp - vì nó chống Pháp, trái với chính sách “ngu dân” của Pháp!

Ngọn cờ “Cần vương - cứu quốc” theo hệ tư tưởng phong kiến nhanh chóng thất bại là dễ hiểu. Ngọn cờ cứu nước theo hệ tư tưởng tư sản mới giương lên cũng bị bẻ gẫy. Can đảm, anh dũng có thừa. Nhưng tất cả đều thất bại! Bế tắc, không có đường ra!

Đau xót trước cảnh quốc phá gia vong. Nguyễn Tất Thành còn sớm nhận ra hạn chế của các nhà yêu nước đương thời, quyết định xuất dương tìm đường cứu nước, theo một hướng mới (05/06/1911). Rời bến Nhà Rồng, Anh nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.


Trong hành trình đầy khó khăn gian khổ, Anh đã nhìn thấy hầu hết các dân tộc Á, Phi, Mỹ La tinh... đều mang thân phận nô lệ, mất nước như dân tộc mình; quan trọng hơn là sớm thấy, ngay cả đa số những người da trắng cũng không có tự do! Khi mới đến nước Pháp, chứng kiến nhiều người nghèo khổ, Anh nói với một người bạn: “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta?”. Đó chính là cơ sở để có được kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột.”. Giữa tháng 12/1912, Nguyễn Tất Thành tới nước Mỹ. Cuối năm 1913, từ Mỹ sang Anh, đến năm 1917 trở lại Pháp. Quá trình nghiên cứu, xem xét Cách mạng tư sản Mỹ (1776) và Cách mạng tư sản Pháp (1789) đã giúp Người học hỏi được rất nhiều điều.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, các nước thắng trận họp Hội nghị hòa bình ở Vécxây (Pháp) để chia phần. Thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị bản yêu sách 8 điểm (chỉ là những yêu sách “tối thiểu”, “cấp thiết”). Tổng thống Mỹ Uynxơn, tác giả chương trình 14 điểm với chiêu bài dân tộc tự quyết cũng có mặt ở Hội nghị. Nhưng những yêu sách dù khiêm tốn của Người cũng không hề được đếm xỉa. Người thấu hiểu: “chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn...”.

Khi được biết thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc rất ngưỡng mộ. Đầu năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một đảng tiến bộ hồi bấy giờ, Người có dịp tiếp xúc, hoạt động với nhiều nhà chính trị nổi tiếng ở Pháp; đến tháng 7/1920 được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, Luận cương đã giải đáp trúng những vấn đề mà Người đang trăn trở tìm kiếm. Luận cương đã có ảnh hưởng quyết định đến lập trường của Người, Người tin và đi theo con đường của Lê-nin. Người nói: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Bác trở thành một trong những nhà sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Năm 1922, Cụ Phan Châu Trinh đã viết trong một bức thư gửi cho Người: “Anh Nguyễn, tôi tường tâm với anh đã rõ nguồn cơn. Bây giờ, thân tôi tựa cá chậu chim lồng. Vả lại, cây già thì gió dễ lay, người già thì trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn... Còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông... Tôi cầu chúc anh thành công...”. Tương tự như vậy năm 1925, Cụ Phan Bội Châu viết: “Cháu học vấn rộng rãi và từng đi nhiều nơi, hơn bác cả chục cả trăm lần. Tri thức và kế hoạch của cháu  tất vượt sức đo lường của bác”, “bác cảm thấy vừa buồn lại vừa mừng, buồn là buồn cho thân bác, mừng là mừng cho đất nước ta... Việc xây dựng lại giang sơn, ngoài cháu, còn có ai để nhờ ủy thác...”.

Nhiều năm sống và làm việc tại các nước đế quốc lớn nhất, Nguyễn Ái Quốc hiểu rõ sức mạnh của nó. Nhưng, không choáng ngợp mà lại nhận ra nhiều khuyết tật vốn có. Năm 1925 tại Pháp, Người cho xuất bản tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Người hiểu đúng tính chất “không đến nơi” của các cuộc cách mạng tư sản, “tiếng là dân chủ, cộng hòa” nhưng thực chất là áp bức, bóc lột cực kỳ tàn bạo, dã man. Người chỉ rõ: “làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho đân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người: Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Người khẳng định dứt khoát: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Công lao lớn nhất của Hồ Chí Minh là đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, dựng nên Đảng ta; lãnh đạo Nhân dân ta đoàn kết một lòng, anh dũng đấu tranh đánh thắng thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; giành lấy độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Thành công này bắt nguồn trước hết bởi một phương pháp nghiên cứu độc lập, tự chủ, sáng tạo; luôn đem lý luận đối chiếu với thực tiễn, lấy mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội làm tiêu chuẩn đánh giá các học thuyết; học tập, tiếp thu kinh nghiệm cách mạng thế giới có chọn lọc.

Từ thực tiễn phong phú hơn một thế kỷ với biết bao thay đổi, biến chuyển, bài học kinh nghiệm lớn nhất mà Đảng ta đã tổng kết là phải “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của nước ta, là sự lựa chọn sáng suốt của Bác Hồ, của Đảng ta. Ngày nay, đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp, nhằm xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”./.

LÊ CHÍ THÀNH
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36727868