Truy cập hiện tại

Đang có 102 khách và không thành viên đang online

Những bảo vật quốc gia luôn tỏa sáng

(TGAG)- Ngày 19/5/1890, tại Nam Đàn, Kim Liên, Nghệ An đã sinh thành một bậc vĩ nhân mà tên tuổi của Người vang khắp cả bốn biển, năm châu; làm dậy sóng mọi tinh thần yêu nước, làm bùng nổ khát vọng độc lập, tự do như chưa có bao giờ!.

Năm 1911, từ bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Trước đó, mọi phong trào yêu nước và cách mạng của Nhân dân ta, dâng lên, giáng xuống đầu thực dân Pháp, đều lần lượt bị dội ngược trở lại, tả tơi và tan rã. Rất khâm phục những người đi trước, Nguyễn Tất Thành đi để trở thành Nguyễn Ái Quốc; rồi trở về để thành Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta. Tư tưởng của Người, cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta.

Trong khối di sản tinh thần mà Người để lại cho dân tộc ta, có 5 di sản được công nhận là Bảo vật quốc gia, mang giá trị trường tồn với thời gian. Đó là, những tác phẩm thể hiện đậm nét văn hóa Hồ Chí Minh - sự hòa quyện giữa tư tưởng, phương pháp, phong cách, là chỉnh thể thống nhất giữa đạo đức, lối sống và nhân cách. Trong đó:

Đường Kách mệnh tập hợp những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại lớp Huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925 - 1927, do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành và bí mật chuyển về trong nước theo nhiều ngả đường khác nhau. Đường Kách mệnh đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình tư tưởng đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, sự giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản của Nguyễn Ái Quốc. Được coi là văn kiện lý luận chính trị đầu tiên của Đảng, đặt cơ sở tư tưởng đường lối cho cách mạng Việt Nam.

Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian bị giam giữ tại nhà tù tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc từ tháng 8/1942 đến 9/1943 với 133 bài thơ chữ Hán. Tác phẩm giúp chúng ta hình dung được thế giới tâm hồn nhiều cung bậc của Người, thấy được tầm vóc trí tuệ của một chân dung vĩ đại, tinh thần tu dưỡng đạo đức, nghị lực sống phi thường trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt và khát vọng cao đẹp nhất là “Độc lập cho dân tộc và Tự do cho con người”.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) có giá trị như một Cương lĩnh kháng chiến, chứa đựng những quan điểm cơ bản về tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng, bất khuất, quyết hy sinh để giành lại độc lập cho dân tộc; là mệnh lệnh tiến công cách mạng, tạo khí thế để nhân dân cả nước đứng lên chiến đấu với mọi vũ khí sẵn có với một ý chí quyết đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi Việt Nam.

Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, từng câu từng chữ trong lời kêu gọi của Bác nhanh chóng thấm nhuần sâu sắc vào tâm khảm nhân dân ta, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam; là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một thái độ dứt khoát “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước (17/7/1966), là một văn kiện lịch sử có giá trị như một lời hịch kêu gọi toàn dân tộc, một cuộc vận động để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, củng cố niềm tin, siết chặt đội ngũ để bước vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước, có câu nói nổi tiếng và đã trở thành chân lý của mọi thời đại đó là “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Và câu nói đó, đã trở thành khẩu hiệu hành động, quy tụ, đoàn kết và thôi thúc cả dân tộc cùng bước vào cuộc trường chinh kháng chiến bằng tất cả sức mạnh của mình để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi thảo vào năm 1965 và qua những lần chỉnh sửa, bổ sung, viết lại đã hoàn thành vào năm 1969. Chỉ 1000 chữ, nhưng có thể được coi là áng thiên cổ hùng văn, thông điệp thiêng liêng của đất nước, đồng thời còn là văn kiện chính trị vô giá của một trí tuệ cao cả và tấm lòng nhân văn sâu sắc. Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh tinh thần tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp suốt đời phấn đấu hy sinh vì nước vì dân; vạch ra những định hướng mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của đất nước sau khi kháng chiến thắng lợi; là những lời căn dặn thiết tha; là sức mạnh thôi thúc toàn dân tộc hành động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mỗi di sản mà Người để lại đều chứa đựng những giá trị, ý nghĩa thật lớn lao và luôn tỏa sáng, giúp mỗi chúng ta có thể soi mình vào tấm gương đạo đức vĩ đại của Người để tin tưởng và đem hết tài năng, sức lực cống hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho sự phát triển của đất nước Việt Nam anh hùng./.
BAN BIÊN TẬP

Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36726798