Truy cập hiện tại

Đang có 81 khách và không thành viên đang online

Phạm Văn Đồng – Nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhân dân

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1/3/1906 – 1/3/2016) - người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người cộng sản kiên cường, mẫu mực; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. TGAG trân trọng giới thiệu bài viết của PSG.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Phạm Văn Đồng là “Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; Người cộng sản kiên cường, mẫu mực; Nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; Người con rất mực trung thành, suốt đời chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; Người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; Nhà văn hóa lớn của dân tộc”[1].

Sinh ngày 1-3-1906 trong một gia đình công chức của chính quyền phong kiến, quê tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí Phạm Văn Đồng sớm tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc và tham gia hoạt động cách mạng từ những năm 1925 - 1926, đấu tranh đòi thực dân Pháp ân xá cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh.

Bị mật thám Pháp bắt tháng 7 năm 1929, đồng chí Phạm Văn Đồng bị tòa án thực dân kết án 10 năm tù và đày ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Tháng 7-1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, chính quyền thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho đồng chí.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Văn Đồng vô cùng phong phú, gắn liền với những trang sử vẻ vang của Đảng và dân tộc; là tấm gương mẫu mực về tinh thần yêu nước, suốt đời tận tụy phục vụ cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Trưởng thành trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của dân tộc, đồng chí Phạm Văn Đồng đã trải qua nhiều cương vị công tác ở địa phương và Trung ương và luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đồng chí là Thủ tướng Chính phủ và đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Chính phủ trong 32 năm.

Với trọng trách đứng đầu cơ quan hành pháp, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân, trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ, đồng chí đặc biệt chú trọng đến bản chất dân chủ nhân dân của chính quyền. Đồng chí nêu rõ: “Nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam là khối đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp yêu nước và dân chủ, được tổ chức thành bộ máy Nhà nước chống chủ nghĩa đế quốc và tay sai của chúng. Bộ máy ấy phải dựa trên khối liên minh tất cả những người lao động, chủ yếu dựa trên liên minh công nông và dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân”[2].Nhà nước đó phải thiết thực bảo vệ quyền lợi của nhân dân và phải được tổ chức dân chủ để các tầng lớp nhân dân tham gia vào chính quyền một cách trực tiếp, thường xuyên, có hiệu lực.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, đồng chí yêu cầu phải tránh lối làm việc quan liêu, mệnh lệnh; phảiđi sát với dân, nắm bắt tâm tư và nguyện vọng của dân để có chủ trương đúng và lãnh đạo đúng; phải thực hiện tự phê bình và phê bình.

Đồng chí Phạm Văn Đồng cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, tiếp đó đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhà ngoại giao tài năng, có uy tín trên thế giới

Là người có trí tuệ sắc sảo, vốn kiến thức uyên bác, với phong thái lịch thiệp, đồng chí Phạm Văn Đồng sớm được giao đảm nhiệm công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Tên tuổi Phạm Văn Đồng được bạn bè quốc tế biết đến từ khi được giao nhiệm vụ đón tiếp đoàn đại biểu quốc tế đến thăm Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu (năm 1926).

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hình ảnh nhà ngoại giao năng động và thân thiện Phạm Văn Đồng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, góp phần tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ thế giới, tăng thêm thế và lực của cách mạng Việt Nam.

Nhà văn hóa lớn của dân tộc

Là một nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp, đồng chí Phạm Văn Đồng cũng hết sức chú trọng đến văn hóa và phát huy vai trò của văn hóa trong hoạt động cách mạng. Quan niệm của đồng chí về văn hóa rất toàn diện và sâu sắc. Đồng chí nêu rõ văn hóa là “hiểu biết, khám phá và sáng tạo”, “văn hóa là quá trình con người và cộng đồng con người ở từng nơi và ở mọi nơi đoàn kết và phấn đấu qua biết bao gian khổ và hy sinh để từng bước, từng phần tự khẳng định mình, từng bước, từng phần thoát khỏi thân phận bị tha hóa, dần dần trở thành con người tự do”[3].

Trong thời kỳ hoạt động cách mạng bí mật, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết nhiều bài báo giàu tính chiến đấu trên các tờ báo như Ý kiến chung, Người tù đỏ (trong nhà tù Côn Đảo), Le Tra vail (Lao động), Notrevoix (Tiếng nói chúng ta)nhằm tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, đấu tranh chống chế độ thực dân phản động. Trong cuộc vận động tiến tới Cách mạng Tháng Tám, đồng chí được giao làm chủ bút, rồi phụ trách báo Việt Nam độc lập do Hồ Chí Minh sáng lập.

Đồng chí Phạm Văn Đồng cũng là người rất quan tâm viết bài về thời đại Hùng Vương, về các danh nhân văn hóa của dân tộc, đồng thời quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phương pháp học ngoại ngữ ...

Đối với lĩnh vực văn hóa văn nghệ, đồng chí lưu ý: “trong các phương thức để tiến hành giáo dục tư tưởng thì văn hóa, văn nghệ có tác dụng sâu sắc, thấm thía, lâu bền bậc nhất”[4]. Theo đồng chí, một tác phẩm nghệ thuật phải có cả hai mặt nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật.Đồng chí yêu cầu văn nghệ sĩ phải chú ý thực hiện tốt bốn điểm: thứ nhất là phải học; thứ hai là vốn sống;thứ ba là hiểu biết chính trị; thứ tư là phải kiên nhẫn.

Đồng chí Phạm Văn Đồng đặc biệt quan tâm đến ngành giáo dục. Với đồng chí, giáo dục là quốc sách hàng đầu, là tương lai của dân tộc. Đồng chí trăn trở khi thấy tình trạng dạy “sáo”, học “sáo”, tình trạng trường lớp xuống cấp ở một số địa phương... Lời dặn: “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò” và quan điểm hết sức coi trọng vai trò của giáo dục được đồng chí nêu ra đến nay vẫn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc.

Một tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng

Đối với Phạm Văn Đồng, được gặp Hồ Chí Minh, được Người giáo dục là những “dịp may” giúp đồng chí rèn luyện, hình thành bản lĩnh chính trị.Từ khi còn đang học năm thứ tư Thành chung ở Trường Quốc học Huế, Phạm Văn Đồng đã biết đến Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với sự ngưỡng mộ và cảm phục sâu sắc. Năm 1926, khi sang Quảng Châu dự huấn luyện lý luận chính trị, đồng chí trực tiếp được gặp Hồ Chí Minh và được Người giáo dục, rèn luyện cả về lý luận chính trị và tư cách, đạo đức cách mạng. Từ năm 1940 đến năm 1969, đồng chí Phạm Văn Đồng tiếp tục có “dịp may” là một trong số ít người thường xuyên sống và làm việc bên cạnh Hồ Chí Minh.

Chính vì có nhiều thời gian được sống và làm việc gần bên Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng là một trong những người sớm đi tiên phong trong việc viết về Người. Các tác phẩmHồ Chí Minh - Hình ảnh của dân tộc;Hồ Chí Minh - Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp; Hồ Chí Minh - Qúa khứ, hiện tại và tương lai; Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh. Văn hóa và đổi mới; Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh .... là những công trình nghiên cứu sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa Phạm Văn Đồng trở thành người góp phần quan trọng đặt nền móng cho chuyên ngành Hồ Chí Minh học.

Học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng suốt đời tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng trong sáng. Cuộc đời cách mạng của đồng chí là tấm gương phấn đấu, hy sinh trọn đời vì độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Từ bỏ con đường có một cuộc sống cá nhân giàu sang, phú quý đang rộng mở, đồng chí lựa chọn con đường cách mạng đầy chông gai, nhưng cũng vô cùng vẻ vang.

Trong công tác và cuộc sống thường ngày, đồng chí là người luôn thể hiện nếp sống giản dị, khiêm tốn, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân.

94 tuổi đời, 75 năm liên tục hoạt động cách mạng, đồng chí Phạm Văn Đồng đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Đạo lý truyền thống của dân tộc là luôn luôn ghi nhớ công lao của những người con ưu tú đã phấn đấu trọn đời vì độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc.

---------------
[1] Lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đọc tại Lễ truy điệu và an tang đồng chí Phạm Văn Đồng, ngày 6-5-2000. Báo Nhân dân, ngày 7-5-2000.
[2] Phạm Văn Đồng: Một số vấn đề về Nhà nước, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 20.
[3] Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 11.
[4] Phạm Văn Đồng: Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1993, tr. 45.

PGS.TS LÊ QUỐC LÝ
Phó Giám đốc Học viện CTQG Hồ Chí Minh
(Nguồn: Báo ND)
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37052659