Truy cập hiện tại

Đang có 71 khách và không thành viên đang online

Tình hình nông nghiệp, nông thôn 2 tháng đầu năm 2021 và nhiệm vụ thời gian tới

(TUAG)- Bước vào năm 2021, trong điều kiện diễn biến của dịch COVID-19 hết sức phức tạp, thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo phát triển kinh tế, toàn ngành nông nghiệp đã tích cực triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, kết quả đạt được như sau:



Tính đến ngày 24/02/2021, cả nước gieo cấy đạt gần 2.817,4 nghìn ha lúa Đông Xuân, bằng 98% so với cùng kỳ; đã thu hoạch được 362 nghìn ha, ước sản lượng thu hoạch đạt 2.645,8 nghìn tấn. Ngành nông nghiệp và các địa phương từng bước chủ động kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, giảm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, không gây biến động về giá. Sản lượng thủy sản ước đạt 1.141,4 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 11 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu ước khoảng 4,8 tỷ USD, tăng 13,6%; xuất siêu khoảng 1,37 triệu USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Cả nước có 5.162/8.267 xã (62,44%) đạt chuẩn nông thôn mới, 268 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, bình quân cả nước đạt 16,68 tiêu chí/xã; có 178/664 đơn vị cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; có 12 tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp nước ta vẫn có nhiều cơ hội nhờ nhu cầu tiêu thụ nông sản của thế giới vẫn tăng và Việt Nam có nền sản xuất tương đối ổn định. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đối diện với không ít thách thức, đó là: Các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục bị ảnh hưởng trực tiếp khi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra ở nhiều quốc gia; nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm... dẫn đến tiêu thụ nông sản, sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống người dân nông thôn…

Trước tình hình trên, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 02/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021, chú trọng thúc đẩy 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm hàng tồn kho nông sản tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương thực hiện tốt một số giải pháp, như: Chỉ đạo việc ưu tiên lưu thông hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát đối hành vi ép giá bán nông sản để trục lợi; điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp, đồng thời, rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây trồng theo hướng khai thác, phát huy tốt lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương và xuất khẩu; bảo đảm nguyên liệu đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi đại dịch được kiểm soát; triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; tăng cường hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản lớn trong và ngoài nước; chủ động tìm kiếm, chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA); điều tiết giảm lượng hàng nhập khẩu, sử dụng hàng sản xuất trong nước, đặc biệt là những mặt hàng nông sản nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa…
    
Để góp phần cùng ngành nông nghiệp tiếp tục tạo ra những bứt phá, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền những thành tựu quan trọng của nông nghiệp Việt Nam đạt được trong năm 2020 đặt trong điều kiện, hoàn cảnh của một năm đầy khó khăn. Từ đó, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp của ngành nông nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp; chú trọng việc tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn của các địa phương thực hiện giãn cách xã hội được lưu thông, tiêu thụ bình thường.

Ba là, tuyên truyền việc nâng cao năng suất và chất lượng nông sản, nâng cao giá trị sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học - công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh phân phối mới, hệ thống bán hàng hiện đại (online); hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị mất việc, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập do đại dịch COVID-19.

Trúc Quỳnh
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37028992