Truy cập hiện tại

Đang có 159 khách và không thành viên đang online

Nhà lý luận lỗi lạc, người chiến sĩ cách mạng vĩ đại!

(TUAG)- Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Ph.Ăngghen (28/11/1820 - 28/11/2020: Phriđơrich Ăngghen sinh ngày 28/11/1820, ở thành phố Barmen, tỉnh Rhein, Vương quốc Phổ trong một gia đình chủ xưởng dệt. Sống ở một trung tâm công nghiệp lớn, ngay từ thời thơ ấu Ăngghen đã trực tiếp nhìn thấy sự bần cùng không lối thoát của người lao động làm thuê; khi còn học ở trường trung học, Ăngghen đã có ý thức căm thù chế độ chuyên chế và sự chuyên quyền của bọn quan lại. Những tâm trạng đó đã góp phần thức tỉnh rất sớm ý thức chính trị của Ăngghen. Ông quyết định không trở thành thương gia như ý định của gia đình; quyết hiến thân cho một sự nghiệp cao cả hơn.

Ph. Ăng-ghen (1820 - 1895)

Gần như trùng hợp, cuối năm 1939 (hai năm sau so với C.Mác), Ăngghen đã bắt tay vào nghiên cứu các tác phẩm của Hêghen. Cái hấp dẫn của Hêghen đối với Ăngghen là tư tưởng về vận động tiến lên của lịch sử loài người đến những hình thái cao hơn. Trong hoạt động chính luận của Ăngghen, người ta thấy ảnh hưởng tư tưởng đó, song ở Ăngghen là quan điểm biện chứng đối với lịch sử loài người và các hiện tượng của đời sống xã hội, là sự vận dụng những tư tưởng cơ bản của phép biện chứng vào thực tiễn cuộc sống. Cùng với C.Mác, Ăngghen đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới, lần đầu tiên các quy luật phát triển của xã hội loài người được đưa ra ánh sáng. Những tác phẩm mà Ăngghen viết cùng với C.Mác cũng như những tác phẩm của Ăngghen đã trở thành những tác phẩm kinh điển, trong đó lần đầu tiên nhiều luận điểm, nguyên lý, quy luật và phạm trù của triết học mà C.Mác và ông xây dựng đã được trình bày một cách có hệ thống. Ông còn là người đầu tiên vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc nhận thức những quy luật của tự nhiên, luận giải, khái quát những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên đương thời. Và nhờ đó, ông đã phát hiện ra ý nghĩa triết học sâu sắc của chúng, đưa ra những tiên đoán thiên tài về mối liên hệ giữa triết học với khoa học tự nhiên, về sự phát triển của khoa học trong tương lai, đồng thời chứng minh rằng chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật là cơ sở lý luận, phương pháp luận không chỉ cho các khoa học xã hội, mà còn cho cả các khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật.

Cùng với C.Mác, Ăngghen đã vạch rõ quá trình phát sinh, phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nêu lên những mặt tiến bộ, đồng thời cũng vạch rõ những khuyết tật và mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Từ đó, hai ông đã chỉ ra rằng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tất yếu sẽ bị thay thế bởi phương thức sản xuất mới, cao hơn, tiến bộ hơn, đó là phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.

Từ bỏ vị trí xuất thân của mình,  Ăngghen đã lăn lộn, gắn bó với phong trào công nhân và phát hiện ra lực lượng xã hội có vai trò chủ đạo trong cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản - đó là giai cấp công nhân. Cùng với việc phát hiện ra sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân, Ăngghen còn góp phần vạch ra vai trò của đội tiền phong (chính đảng) của giai cấp công nhân. Ông khẳng định, giai cấp công nhân chỉ có thể đấu tranh chống lại quyền lực của giai cấp hữu sản, chỉ khi họ tự tổ chức được thành một đảng độc lập với tất cả chính đảng cũ do giai cấp hữu sản lập ra và chỉ khi đó, giai cấp công nhân mới có thể hành động với tư cách là một giai cấp độc lập và Ăngghen đã tiến hành cuộc đấu tranh thành lập đảng cùng các tổ chức cách mạng quốc tế của giai cấp vô sản.

Với đức tính khiêm nhường, nhiều lần Ăngghen tuyên bố mình chỉ là “cây vĩ cầm nhỏ bé” bên cạnh C.Mác. Nhưng như C.Mác khẳng định Ăngghen là “Một nhà bác học thiên tài”. V.I.Lênin đánh giá: “Sau bạn ông là C.Mác, Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền C.Mác và Ph.Ăngghen thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên muốn hiểu Ăngghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của C.Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”. Cũng như C.Mác, Ph.Ăngghen không bao giờ coi lý luận của mình là học thuyết hoàn hảo, đã xong xuôi và buộc mọi người phải rập khuôn, sao chép, mà luôn đòi hỏi phải phát triển lý luận thông qua nghiên cứu thực tiễn, tổng kết thực tiễn. Những tư tưởng của Ăngghen về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học... đến nay vẫn giữ nguyên tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc đổi mới đất nước ta.

Dưới sự dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh - một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Trong đó có những tư tưởng thiên tài của Ăngghen, Ðảng ta từ khi mới ra đời đã có ngay đường lối đúng đắn; đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và  đang lãnh đạo công cuộc đổi mới với những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Đảng đã tích lũy và đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống vẻ vang. Trước hết là truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là truyền thống giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối; nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin. Chúng ta có trách nhiệm phải ra sức giữ gìn và phát huy mạnh mẽ.

TRUNG THÀNH
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36726987