Truy cập hiện tại

Đang có 100 khách và không thành viên đang online

Nông nghiệp An Giang tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu để nâng cao sức cạnh tranh

(TUAG)- “Nông nghiệp An Giang tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu để nâng cao sức cạnh tranh”- đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp tỉnh An Giang năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020 được tổ chức ngày 21/2.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, trên đà phục hồi tăng trưởng của năm 2019, năm 2020 sẽ là năm quan trọng trong việc tăng tốc để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra cho cả giai đoạn 2016-2020.


Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, năm 2020 tình hình kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục sẽ có những khu vực năng động, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu nhiều hơn, những sản phẩm có lợi thế so sánh của Việt Nam sẽ có cơ hội để phát triển. Mặc dù, thời gia qua, dịch COVID-19 làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế và thương mại thế giới trong khoảng thời gian có dịch bệnh nhưng sau khi hết dịch sẽ kích thích tăng trưởng trở lại, giá nông sản sản sẽ tăng, đây chính là cơ hội của Việt Nam.

Trong nước, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được Chính phủ quan tâm đầu tư, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi vào thực tiễn, với quan điểm chung được thống nhất từ Trung ương đến địa phương là lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Theo đó, các cơ chế chính sách sẽ tập trung tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phát triển.

Đặc biệt, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã triển khai 4 năm qua và bắt đầu có hiệu ứng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nhất là đối với cây ăn trái (chuối, xoài..) sẽ cho thu hoạch nhiều hơn; Đề án giống cá tra 3 cấp đang triển khai thực hiện, dự kiến kết quả sản xuất giống sẽ tăng cả về chất lượng và số lượng... đó là những tiền đề quan trọng để ngành nông nghiệp tỉnh An Giang tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, An Giang thực hiện cơ chế điều hành linh hoạt, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ, giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch COVID-19; Triển khai nhanh kế hoạch tái đàn lợn trên địa bàn theo quy mô tập trung, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; Kiểm soát, kiểm tra chặt vịt hoạt động chăn nuôi gia cầm (nhất là vịt chạy đồng) để tránh bùng phát cúm gia cầm H5N1 cũng như các loại dịch bệnh khác.



Để ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, có “sức đề kháng” tốt trước biến đổi của thị trường, dịch bệnh, thiên tai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu, Sở Nông nghiệp và các địa phương chủ động rà soát lại các mặt hàng, nhất là các mặt hàng phụ thuộc thị trường Trung Quốc, nắm rõ diện tích, sản lượng để có hướng xúc tiến, kết nối thị trường, giảm sự phụ thuộc vào 1 thị trường nhằm tránh ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp để đẩy nhanh Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý; sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cùng với việc nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn, chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.



Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang gặp rất nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết không thuận lợi; thị trường, giá lúa, cá đều giảm so với cùng kỳ, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp…Thêm vào đó, tình hình sạt lở đất bờ sông trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều và phức tạp. Đặc biệt, sạt lở không chỉ xảy ra trên các sông lớn như sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Nao, kênh xáng Tân An, sông Bình Di,.. mà hiện nay, sạt lở đất xảy ra trên tất cả các sông, kênh, rạch, thời gian sạt lở không theo chu kỳ, mà diễn ra trong tất cả các tháng của năm.

Tuy nhiên, với sự điều hành linh hoạt, ứng phó kịp thời, cùng với diễn biến thuận lợi về thời tiết và lũ trong vụ Thu Đông, các sản phẩm chủ lực của tỉnh An Giang giữ mức ổn định và có tăng so với cùng kỳ. Sản lượng lúa cả năm đạt hơn 3,92 triệu tấn, xấp xỉ cùng kỳ; sản lượng cây ăn quả 241 ngàn tấn bằng 113,87% ( tăng 29 ngàn tấn); sản phẩm cá tra lần đầu tiên vượt mức 400 ngàn tấn, tăng 19,19% so cùng kỳ, từ đó đã góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất khu vực I tăng tăng 2,65% so năm 2018; dự báo có thể tăng hơn 3% sau khi rà soát lại diện tích lúa chất lượng cao vụ Thu Đông 2019.  


Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch COVID-19  diễn ra phức tạp, đến nay chưa có dấu hiệu giảm. Do đó, Trung Quốc sẽ hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu nên doanh số xuất khẩu của một số doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh sẽ bị ảnh hưởng lớn, các đơn hàng xuất khẩu sẽ bị giảm 30 - 40% so kế hoạch.
Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời theo dõi chặt diễn biến tình hình dịch bệnh để chủ động tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Thực hiện rà soát lại các vùng sản xuất chuyên canh, để có giải pháp tập trung ưu tiên đầu tư cải tạo đất, thủy lợi, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác cho những vùng này.

Song song đó, tăng cường vận động, kết nối doanh nghiệp nhân rộng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình “Cánh đồng lớn” để xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; triển khai việc quảng bá, xây dựng thương hiệu lúa gạo An Giang,… từng bước tạo ra giá trị kinh tế cao hơn cho các mặt hàng nông sản của tỉnh trong tương lai gần./.

Công Mạo
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37019619