Truy cập hiện tại

Đang có 118 khách và không thành viên đang online

Phát triển toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê, hôm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu thăm chính thức Nhật Bản. Cùng với các chuyến thăm Trung Quốc và Hoa Kỳ (tháng 4 và tháng 7-2015), chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng Bí thư Đảng ta là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm nay nhằm chủ động triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đưa các mối quan hệ với các đối tác lớn đi vào chiều sâu. Chuyến thăm này là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, nhằm thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới. Các nước lớn nỗ lực củng cố vai trò, gia tăng ảnh hưởng và thúc đẩy hợp tác. Trong đó, Nhật Bản nỗ lực nâng cao vị thế chính trị để tương xứng sức mạnh kinh tế, coi Đông - Nam Á là địa bàn chiến lược để triển khai chiến lược đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, mở rộng hợp tác ở khu vực.

Là quốc gia nghèo tài nguyên, dân số đông, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhưng với ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, bằng sự say mê và nghiêm túc học hỏi, lao động, sáng tạo cùng những cải cách đột phá, Nhật Bản đã nhanh chóng vươn lên, trở thành một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Hiện Nhật Bản đứng hàng đầu thế giới về khoa học và công nghệ; là nền kinh tế đứng thứ ba thế giới, với GDP đạt gần năm nghìn tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 33 nghìn USD/năm. Nhật Bản là thành viên của Liên hợp quốc, tham gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7)…

Thăm đất nước hoa anh đào trong những ngày này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng ta đem đến những tình cảm sẻ chia, thắm tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam đối với người dân Nhật Bản, nhất là ở khu vực bị thảm họa “kép” động đất, sóng thần năm 2011. Những năm gần đây, tình hình chính trị tại Nhật Bản nhìn chung ổn định, với việc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Thủ tướng S.A-bê trở lại nắm quyền từ tháng 12-2012. Chính phủ của Thủ tướng S.A-bê triển khai mạnh mẽ chính sách kinh tế mới Abenomics, gồm ba trọng tâm: nới lỏng tín dụng, tăng chi tiêu công và tái cấu trúc kinh tế, nhằm thúc đẩy GDP đạt mức tăng trưởng từ 3% trở lên. Về đối ngoại, Nhật Bản triển khai chính sách ngoại giao với ba trụ cột, gồm: củng cố quan hệ đồng minh Nhật Bản - Mỹ, củng cố ngoại giao láng giềng và đẩy mạnh ngoại giao kinh tế để khôi phục kinh tế. Bên cạnh đó, Chính quyền của Thủ tướng A-bê tích cực triển khai chính sách an ninh mới “Chủ nghĩa hòa bình tích cực” trên con đường “trở thành quốc gia bình thường”, nhằm tăng cường vị thế chính trị để tương xứng sức mạnh kinh tế.

Chúng ta vui mừng nhận thấy, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hiện đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay và đã đạt đến khuôn khổ “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (từ tháng 4-2014). Chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược chung, những năm gần đây, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước liên tục có những bước phát triển sâu rộng và thực chất trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh-quốc phòng. Nhật Bản khẳng định coi trọng vị trí và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam. Sự tin cậy về chính trị giữa hai nước ngày càng cao. Hai bên duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, trao đổi kênh Đảng, Quốc hội và giao lưu nhân dân. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà cung cấp ODA số 1, nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác thương mại song phương lớn thứ tư của nước ta. Tính đến hết năm 2013, Nhật Bản đã cam kết tài trợ cho Việt Nam hơn 26,1 tỷ USD vốn vay ODA. Đến nay, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn FDI đăng ký đạt hơn 37,7 tỷ USD. Năm 2014, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 27,6 tỷ USD. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10-2011). Nhiều công trình do Nhật Bản hỗ trợ đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, như tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 Nội Bài… Hợp tác giữa các địa phương hai nước những năm gần đây được thúc đẩy mạnh mẽ. Hai bên tích cực khai thác thế mạnh của nhau, hỗ trợ nhau trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi. Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như khoa học-công nghệ, lao động, du lịch, giáo dục - đào tạo, văn hóa thông tin, lãnh sự… ngày càng hiệu quả. Việt Nam và Nhật Bản hợp tác tốt tại các diễn đàn đa phương, tích cực tham gia nỗ lực chung đối phó những thách thức và các mối đe dọa mới, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Nhà vua Nhật Bản A-ki-hi-tô, hội đàm với Thủ tướng S.A-bê cũng như trao đổi ý kiến với nhiều nhà lãnh đạo Nhật Bản và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hội hữu nghị hai nước nhằm đưa ra các biện pháp và phương hướng thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Chúc chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành công tốt đẹp, tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị, tin cậy chính trị giữa hai nước và đưa mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển ngày càng thực chất và hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Theo: Báo ND
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
36715628