Truy cập hiện tại

Đang có 119 khách và không thành viên đang online

Phải tạo được chuyển biến thật sự trong xây dựng nông thôn mới!

(TGAG)- Ngày 18/7/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 04 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu đặt ra là phải tạo được sự chuyển biến thực sự về nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ và hành động cụ thể của các cấp các ngành và toàn xã hội trong xây dựng nông thôn mới.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả thiết thực. Góp phần tạo nên diện mạo mới, sức sống mới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nông nghiệp tỉnh nhà đã từng bước phát triển theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với nhu cầu thị trường. Năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước ngày càng mở rộng. Trong nông thôn, kết cấu kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng nâng cấp. Đời sống vật chất tinh thần của cư dân nông thôn từng bước được cải thiện. Công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, cảnh quan môi trường được cải thiện. Nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với Nhân dân, tập trung huy động nhiều nguồn lực để phát triển. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng lên, dân chủ được phát huy; an ninh - chính trị, trật tự xã hội địa bàn nông thôn được giữ vững... Năm 2011, toàn tỉnh chỉ có 02 xã đạt 10 tiêu chí, 36 xã đạt từ 06 - 09 tiêu chí và 81 xã đạt từ 05 tiêu chí trở xuống, thu nhập bình quân đầu người chỉ 16,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn là 10,5% thì đến 2016, đã không còn xã nào đạt dưới 05 tiêu chí. 13 xã được công nhận xã nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 27,56 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,8%.

Đạt được những thành tựu quan trọng đó là nhờ quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đoàn kết thống nhất cả trong nhận thức và hành động, chung sức chung lòng cùng với sự tham gia tích cực chủ động của quần chúng Nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: còn không ít những khó khăn, tồn tại hạn chế trong việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh thời gian qua, trong đó có thể kể đến như: mức độ đạt tiêu chí của các xã trong tỉnh, nhất là các xã khó khăn, vùng biên giới còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Sản xuất nông nghiệp vẫn chưa bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ còn hạn chế, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm. Việc xây dựng Đề án thực hiện Chương trình ở các cấp vẫn còn nặng tính chủ quan, duy ý chí, chưa sát thực tế, chưa chỉ rõ được nguồn lực nào? Ở đâu? Trách nhiệm của ai? v.v...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại hạn chế, cả chủ quan lẫn khách quan. Có thể kể đến như: mặt bằng dân trí, nhất là vùng nông thôn còn thấp, điều kiện chung về kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Nhận thức về vai trò, ý nghĩa, nội dung của Chương trình trong một số cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền chưa đầy đủ dẫn tới thiếu chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, xuất hiện tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Công tác tuyên truyền còn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, một bộ phận người dân còn thờ ơ, chưa quan tâm, chưa hiểu rõ mục tiêu của Chương trình. Sự phối hợp, liên kết, kiểm tra, giám sát còn chưa chặt chẽ và thường xuyên...

Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh gắn với triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X; Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động với những mục tiêu rõ ràng: đó là phải tạo cho được chuyển biến thật sự về nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ và hành động cụ thể của các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp Nhân dân.  Chương trình hành động cũng đưa ra chỉ tiêu cụ thể: đến 2020, bình quân chung toàn tỉnh đạt ít nhất 15 tiêu chí/xã. 61/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xây dựng Thoại Sơn trở thành huyện đạt chuẩn “huyện nông thôn mới”. Thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Chương trình hành động cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, phân công, xác định rõ trách nhiệm của từng ngành từng cấp trong quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo cho Chương trình hành động được quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả và đem lại kết quả cao nhất.

Có thể thấy rằng, những nội dung, chỉ tiêu nhiệm vụ và những giải pháp  mà Chương trình hành động của Tỉnh ủy là hết sức cụ thể, phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn và sự mong mỏi của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Và để hiện thực hóa nó đòi hỏi sự chung tay nỗ lực của cả hệ thống chính trị, với phương châm “nói và làm”. Có như thế, Chương trình hành động tỉnh mới thật sự trở thành dấu mốc quan trọng thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, tạo nên diện mạo và sức sống mới cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn An Giang trong giai đoạn mới./.

NGUYỄN MẠNH HÀ
Trưởng phòng TT - VHVN
Tiến tới đại hội đảng
Giải phóng miền Nam
Số lần xem các bài viết
37057157